Làm gì để điện mặt trời thực sự là nguồn năng lượng sạch ?
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười 10, 2017 News Energy
Tính đến hết tháng 7/2017, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư với tổng công suất nguồn lên tới hơn 17.000MW.
Cùng với việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh) theo hướng tăng công suất các nguồn năng lượng tái tạo thay thế điện hạt nhân, việc ban hành cơ chế giá điện mặt trời (tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/4/2017) về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 6/2017) đã thực sự khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Tính khả thi của các dự án được đánh giá là khá cao khi công nghệ sản xuất điện mặt trời ngày càng hiện đại, có khả năng hiện thực hóa các tiềm năng kỹ thuật thành tiềm năng kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, thực tế nhiều nước đã phát triển điện mặt trời cho thấy, nếu không có các giải pháp khoa học và toàn diện ngay từ đầu, điện mặt trời sẽ không còn sạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và khó giải quyết hơn cả các nguồn năng lượng truyền thống.
Mặc dù đưa ra nhận định, trong tất cả các nguồn năng lượng sản xuất điện hiện nay, điện mặt trời là nguồn năng lượng “sạch” nhất, cho khả năng ứng dụng và hiệu quả phát điện lớn nhất trong các nguồn năng lượng mới và tái tạo, song GS.TSKH Trần Đình Long, PCT Hội Điện lực Việt Nam vẫn khẳng định, dù là nguồn điện nào thì cũng có 2 mặt, đi cùng với những lợi thế là những tồn tại và phải được xử lý để hạn chế tới mức thấp nhất có thể. Cảnh báo của các chuyên gia năng lượng quốc tế về việc Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với thảm hoạ môi trường khi số tấm pin mặt trời khổng lồ hết hạn sử dụng trong khoảng 2 thập niên tới là bài học quý cho Việt Nam – nước đi sau đang muốn phát triển điện mặt trời theo quy mô công nghiệp, với quy mô công suất phát điện hơn 12.000MW vào năm 2030.
Theo GS.TSKH Trần Đình Long, việc sử dụng bình acquy tích trữ điện khi sử dụng những tấm pin mặt trời quy mô hộ gia đình cũng có khả năng gây ô nhiễm, ngộ độc chì và không an toàn bởi dung dịch a-xít…Vì vậy, cần nghiên cứu, tính toán cả cách xử lý hết sức kỹ lưỡng, khoa học và bài bản ngay từ đầu.
“Có thể có vấn đề sau khoảng 15-20 năm sử dụng thì những tấm pin mặt trời thải ra – nó cũng gần giống như các thiết bị điện tử nói chung nếu xử lý không tốt thì sẽ gây những vấn đề về môi trường, nhưng còn trong quá trình vận hành thì các tác động ấy hầu như là rất ít. Ngành vật liệu họ có công nghệ để xử lý các loại vật liệu thải, trong đó đặc biệt là các linh kiện, phần tử từ các thiết bị điện tử thải ra, không chỉ là của điện mặt trời đâu thì cũng đều phải được xử lý rất cẩn thận. Đặc biệt đối với các vật liệu độc hại là phải rất cẩn thận trong quá trình xử lý”- ông Long cho biết.
Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, thời gian sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời là khá dài, việc phát triển công nghệ trong tương lai cho khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin mặt trời khi hết hạn. Trong trước mắt, phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng mặt trời hiện hữu.
“Tuổi thọ của mỗi tấm pin mặt trời khá dài, lâu hết hạn lắm, Nhưng việc duy trì bảo dưỡng nó là phải thường xuyên, bẩn là phải lau ngay lập tức.. Những tấm pin quang điện bây giờ thế giới sản xuất có tuổi thọ phải được 25-30 năm nên không đáng ngại”.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu khoa học, PGS TS Phạm Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là chương trình KC-05) cho rằng, việc lựa chọn công nghệ nói chung, công nghệ sản xuất năng lượng mặt trời nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả kinh tế, kỹ thuật từ công nghệ đó và quan trọng là phải “đánh giá chu trình vòng đời” của công nghệ”. Có như vậy mới đánh giá hết được những tác động môi trường mà công nghệ đó mang lại.
“Khi chúng ta phát triển một công nghệ nào đó thì chúng ta cũng phải xem nguồn gốc của công nghệ đó, tức là các trang thiết bị của công nghệ đó được sản xuất, sử dụng và loại bỏ sau khi hết thời gian sử dụng như thế nào. Trường hợp cụ thể về NLMT chúng ta có thể nói rằng việc sử dụng NLMT là rất hiệu quả so với các nguồn năng lượng truyền thống khác. Nhưng việc sản xuất những tấm pin mặt trời rõ ràng chúng ta cũng phải đánh giá được những tác động môi trường, đặc biệt là việc thu hồi các chất thải sau khi chúng ta sử dụng các nguồn NLMT.. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm và phải lượng hóa được những tác động môi trường để trên cơ sở đó chúng ta có được những cơ chế chính sách, có được những giải pháp tương đối phù hợp đặc biệt là đối với các nguồn NLTT. Và cái thứ 2 nữa là việc sản xuất NLTT, khi chúng ta nói rằng sử dụng sinh khối, sử dụng điện, sử dụng gió,.. là không tạo ra khí CO2 trong quá trình sử dụng nhưng mà những tác động môi trường từ vấn đề sử dụng nguyên vật liệu để sản xuất điện hay là vấn đề về các nguyên vật liệu để phát triển sinh khối trước khi chúng ta sử dụng nguồn sinh khối để sản xuất điện năng.. thì câu chuyện đó chúng ta phải đặc biệt quan tâm”.
Cũng theo PGS TS Phạm Hoàng Lương, trên thế giới và bản thân các nhà khoa học trong nước cũng đã triển khai một số nghiên cứu liên quan đến “chu trình vòng đời công nghệ” nhằm đánh giá toàn bộ quá trình hiệu quả cũng như những tác động môi trường từ việc sử dụng và khai thác công nghệ chứ không chỉ nhìn riêng ở khu vực sử dụng. Trên thực tế, nếu chỉ nhìn vào những tấm pin NLMT sẽ không thấy có phát thải CO2. Nhưng để sản xuất ra được những tấm pin ấy, phải cần nhiều nguồn nguyên vật liệu. Quá trình sản xuất nguyên vật liệu đó sẽ tác động đến môi trường. PGS TS Phạm Hoàng Lương nhấn mạnh việc nghiên cứu xử lý khi thu hồi các tấm pin NLMT hết thời gian sử dụng. Trên thế giới cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, các nhà khoa học, Chính phủ cũng như các bộ ban ngành cũng nên đặc biệt quan tâm nghiên cứu để ứng dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam.