Kiều bào hiến kế giúp TP. HCM phát triển năng lượng sạch
Tin Tức Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Tháng tám 5, 2017 News Energy
Nangluong.news – Sáng 3/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tổ chức Hội nghị thường niên các nhà kinh tế học Việt Nam 2017 (VEAM 2017) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kiều bào đóng góp cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.”
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia trong nước trao đổi, tư vấn cho Thành phố Hồ Chí Minh về kinh nghiệm phát triển, thu hút đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng sạch và dữ liệu lớn. Hai lĩnh vực này đang được Thành phố quan tâm và có giá trị thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển thành một trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của khu vực.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao, ông Vũ Quang Minh, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đánh giá cao vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia kiều bào; khẳng định tri thức là sức mạnh của cộng đồng kiều bào và cũng là sức mạnh, tiềm năng to lớn của đất nước.
Theo ông Vũ Quang Minh, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý, mạng lưới liên kết của đội ngũ chuyên gia, trí thức kiều bào là nguồn lực quý báu, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững cũng như quá trình hội nhập quốc tế hiệu quả của đất nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia trong nước cùng các sở ngành đã trao đổi các vấn đề, cung cấp thông tin liên quan đến phát triển năng lượng sạch, xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống dữ liệu thông tin phục vụ quá trình phát triển, giúp Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chính sách; tăng cường sự kết nối, cộng tác giữa chuyên gia trong và ngoài nước để thúc đẩy sự phát triển của Thành phố, đặc biệt trong hai lĩnh vực năng lượng sạch và dữ liệu lớn.
Tại phiên hội thảo chuyên đề về năng lượng sạch, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm sử dụng năng lượng sạch của các nước; đánh giá tình hình sử dụng năng lượng tái tạo hiện nay của Thành phố, nghiên cứu kế hoạch của Thành phố trong việc tiếp nhận năng lượng sạch phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới.
Theo tiến sỹ Trần Duy Châu, chuyên viên nghiên cứu Tập đoàn Điện lực Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các địa phương phía Nam nói chung có tiềm năng to lớn về phát triển điện Mặt Trời. Chính quyền thành phố cần xây dựng chính sách định hướng phát triển điện Mặt Trời trong tiêu chí quy hoạch phát triển năng lượng của Thành phố, xây dựng các kế hoạch phục vụ phát triển điện Mặt Trời với tiêu chí sử dụng các nguồn lực tại chỗ và đa dạng hóa các đơn vị, nhà đầu tư tham gia phát triển hệ thống điện Mặt Trời trong thành phố.
Ở khía cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, tiến sỹ Lê Minh Hòa, giảng viên Đại học Northumbria (Anh), nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc nghiên cứu hệ thống chiếu sáng và thông tin thông minh nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Tiến sỹ Lê Minh Hòa cho rằng, áp dụng hệ thống chiếu sáng thông minh có khả năng tích hợp là một phần quan trọng trong xây dựng thành phố thông minh, tạo ra hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và thân thiện với môi trường.
Đối với chuyên đề dữ liệu lớn (big data), theo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Thành phố đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực như xây dựng chính quyền điện tử phục vụ công tác cải cách hành chính, liên thông công tác điều hành quản lý giữa các đơn vị. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu của Thành phố lưu trữ phân tán tại nhiều địa điểm và định dạng khác nhau, với các phiên bản cơ sở dữ liệu và kích thước dữ liệu khác nhau. Các cơ sở dữ liệu này chưa được tạo lập theo một quy chuẩn chung, thiếu tính tổng thể dẫn đến trùng lặp nội dung hoặc thiếu nhất quán về thông tin được lưu trữ.
Trước thực tế này, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở nhằm tập hợp và cung cấp dữ liệu đa chiều, đa lĩnh vực cho các cấp quản lý; là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược làm nền tảng để triển khai xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh. Trong đó, việc huy động các nguồn lực xã hội rất quan trọng để thực hiện mục tiêu này.
Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu tại một số quốc gia trên thế giới, tiến sỹ Vũ Tường Thụy (giảng viên Đại học Nottingham cơ sở tại Malaysia, Trưởng khoa Khoa học Kỹ thuật Đại học Hoa Sen) đề cập, việc xây dựng nguồn dữ liệu mở là việc cấp thiết, tạo điều kiện cho các đối tượng trong xã hội được khai thác và đóng góp để phát triển. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về big data khi có một nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức và kỹ năng phù hợp cho phát triển công nghệ xử lý và làm chủ quản lý, khai thác dữ liệu lớn; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam đã có những phát triển; nhất là sự quan tâm của chính phủ và ban ngành.
Để phát triển lĩnh vực này, theo tiến sỹ Vũ Tường Thụy, cần xây dựng một Chương trình khung nhất quán cấp nhà nước, cho phép các thành phần cùng phát triển và khai thác, đặc biệt chia sẻ nguồn lực, tránh phân tán và có quản lý; đẩy mạnh các chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu; phát triển và triển khai các chuẩn dữ liệu, cho phép chia sẻ dữ liệu một cách nhất quán, đồng bộ việc thu thập và xử lý; đồng bộ hệ thống dữ liệu thông tin địa lý nền (cơ sở dữ liệu bản đồ nền), mở cơ sở dữ liệu cho phép chia sẻ và đóng góp… Đặc biệt, bản đồ nền là tối cần thiết cho các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng chia sẻ, giới thiệu nhiều mô hình, công nghệ hiện đại của các quốc gia trong phát triển năng lượng sạch và xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung trên thế giới, cùng với đó là khả năng ứng dụng thực tế tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo XUÂN KHU-TIẾN LỰC (TTXVN/VIETNAM+)