Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Hai năm trở lại đây, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) quan tâm, xúc tiến đầu tư nguồn điện từ năng lượng... EVNCPC: Phát triển điện mặt trời tại miền Trung

Hai năm trở lại đây, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) quan tâm, xúc tiến đầu tư nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Đây là bước đi phù hợp nhằm thực hiện hóa chủ trương của Chính phủ trong việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Hệ thống năng lượng mặt trời tại Nhà máy điện An Bình, đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Hiệu quả từ điện mặt trời

Chị Lê Thị Hà – xã đảo An Bình (đảo Bé), huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tất bật với công việc buôn bán nước giải khát cho khách du lịch. Vừa đập đá bỏ vào ly để khách uống nước dừa, chị Hà cho biết từ khi có điện cả ngày trên đảo, lượng du khách ra đây đông hơn nên thu nhập của chị cũng khấm khá hơn trước. Nhờ có điện nên bây giờ chị có thể tự làm nước đá tại nhà, thay vì trước đây phải vận chuyển từ đảo Lớn sang, giá cao, nhiều khi lại thiếu hụt do không chuyên chở kịp. Cũng nhờ vậy, chị vừa tiết kiệm chi phí, lại vừa chủ động hơn trong việc buôn bán. – Chị Hà chia sẻ thêm: “Không mừng sao được vì từ khi có điện liên tục, nhiều gia đình tha hương vì cuộc sống mưu sinh, nay đã quay về làm ăn, sinh sống trên đảo. Từ hai năm nay cuộc sống người dân đã đổi thay nhanh chóng vì khách du lịch tới đảo ngày càng nhiều. Có khách du lịch, người dân tăng thu nhập đáng kể, bởi họ làm các dịch vụ như: chèo thuyền thúng cho khách đi ra biển lặn ngắm san hô, cho thuê áo phao, kính lặn, hoặc buôn bán, hay làm homestay”.

Chị Hà chỉ là 1 trong gần 100 gia đình trên đảo Bé có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ EVNCPC đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời phục vụ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của bà con nơi xã đảo tiền tiêu này.

Đang trực vận hành tại Nhà máy điện An Bình, anh Đỗ Văn Đồng – công nhân Điện lực Lý Sơn, cho biết, trước đây người dân trên đảo thường phàn nàn vì mỗi ngày chỉ 6h có điện. Khi có điện năng lượng mặt trời kết hợp với điện máy phát 24/24, bà con rất vui mừng, phấn khởi vì sự phục vụ tận tình của ngành điện. Bởi hiện nay, mọi sinh hoạt của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Anh Đồng còn cho biết thêm, ban ngày nắng tốt, hệ thống điện mặt trời sẽ cung cấp nguồn điện một chiều vào Inverter. Từ hệ thống năng lượng một chiều sẽ biến thành điện xoay chiều qua tủ cung cấp nguồn cho phụ tải của người dân trên đảo. Còn những khi thời tiết xấu hoặc không có nắng, trời mưa hoặc ban đêm, hệ thống năng lượng mặt trời yếu thì lúc đó nguồn cung cấp cho phụ tải sẽ từ ắc quy do ban ngày điện năng lượng mặt trời nạp vào sẽ cung cấp cho phụ tải. Và khi ắc quy đã yếu thì tủ hòa đồng bộ sẽ kích hoạt máy phát phát điện lên cho lưới và nạp lại cho ắc quy. Từ khi hệ thống năng lượng mặt trời được đưa vào vận hành, chi phí nhiên liệu cho việc phát điện hoàn toàn bằng diesel cũng đã giảm đi đáng kể.

Để có được hệ thống năng lượng mặt trời trên xã đảo là nhờ EVNCPC chú trọng tăng cường phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Dự án do EVNCPC làm chủ đầu tư, CPCCREB quản lý điều hành dự án. Dự án gồm 300 tấm pin năng lượng mặt trời IREX, hệ thống ắc quy cùng hệ thống khung giá đỡ chuyên dụng cho môi trường biển. Khi đưa vào sử dụng, công trình đã cung cấp khoảng 146 MWh và giảm thải được tới hơn 92,6 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm. Đây là công trình không chỉ đảm bảo nguồn điện bền vững mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng cho huyện đảo Lý Sơn.

Không chỉ quan tâm đến đồng bào vùng biên giới, hải đảo, đầu năm 2018 EVNCPC cũng đã dành 1 tỷ đồng tài trợ 3 trường học ở Quảng Nam lắp đặt hệ thống mặt trời áp mái hòa lưới trực tiếp. Mỗi công trình có quy mô 36 tấm pin NLMT lắp trên mái nhà của hãng Mitsubishi 275Wp, Nhật Bản và 01 thiết bị hòa lưới (Inverter) của hãng AE – Solar của Đức. Hệ thống có công suất lắp đặt 10 kWp, với sản lượng bình quân 46kWh mỗi ngày tại một điểm trường.

Đón nhận món quà ý nghĩa từ EVNCPC thầy giáo Nguyễn Thế Luyện – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho hay, nhờ hệ thống năng lượng mặt trời này mà mỗi tháng trường tiết kiệm được 1,5 đến 2 triệu đồng tiền điện. Có hệ thống điện nối lưới, trường cũng đã lắp thêm nhiều thiết bị điện để đảm bảo ánh sáng, quạt mát cho học sinh cũng như phục vụ giáo án điện tử của thầy cô giáo.

Còn thầy giáo Trần Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, phục vụ điện trong trường còn dư, chúng tôi không sử dụng hết, thì bán lại cho ngành điện.

Theo quy định, với hệ thống điện mặt trời áp mái, khách hàng vừa khai thác được nguồn điện tái tạo từ năng lượng mặt trời vừa sử dụng được điện từ nguồn lưới quốc gia. Như vậy, khách hàng sẽ không bị gián đoạn nguồn điện sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, khi sử dụng không hết nguồn điện từ năng lượng mặt trời, khách hàng còn có thể tận dụng nguồn dư này bán lại cho ngành điện theo giá quy định.

Mới đây, trong tháng 12 năm 2018 – Tháng Tri ân khách hàng, EVNCPC cũng đã dành kinh phí hơn 800 triệu đồng để hỗ trợ lắp đặt miễn phí hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nối lưới với công suất lắp đặt 5 kWp/hệ thống cho 6 trường học, trung tâm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Phú Yên, Đắk Nông, Quảng Trị, Quảng Bình. Toàn bộ các công tác khảo sát, thiết kế, lắp đặt được EVNCPC giao cho đơn vị trực thuộc là CPCEMEC đảm nhận.

Phát triển điện năng lượng mặt trời tại miền Trung

Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Văn phòng EVNCPC

Bên cạnh quan tâm phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ công tác an sinh xã hội, EVNCPC đã đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các văn phòng Tổng công ty đến các đơn vị thành viên trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên.

Cuối năm 2017, EVNCPC khánh thành Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nối lưới Nhà điều hành EVNCPC tại địa chỉ 78A Duy Tân, Đà Nẵng với tổng công suất 50 kWp, chiếm 1/10 mức tiêu thụ điện của tòa nhà. Tổng sản lượng điện tạo ra trong 1 năm ước tính khoảng 73,678MWh. Tuổi thọ của công trình lên đến 20 năm, thời gian hoàn vốn là 9 năm. Sau đó, EVNCPC tiếp tục triển khai đầu tư hệ thống điện mặt trời đến văn phòng các Công ty Điện lực và Công ty Lưới điện cao thế miền Trung.

Tính đến hết tháng 12/2018, EVNCPC đã triển khai được 19 dự án điện mặt trời áp mái cho các cơ quan, đơn vị, trường học,… và 15 công trình cho khách hàng tư nhân. Trong giai đoạn 2, EVNCPC triển khai 115 công trình tại các cơ sở Điện lực, chi nhánh EVNCGC với tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng và trong giai đoạn 3 (kế hoạch năm 2019) thực hiện lắp đặt 91 vị trí tại các cơ sở đơn vị hậu cần và TBA110kV, tổng mức đầu tư dự kiến 99,4 tỷ đồng. Tổng công suất cho cả 3 giai đoạn là 7.249,6kWp.

Mới đây, EVNCPC đã hợp tác cùng với Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Cư Jút với quy mô công suất là 50MW trên diện tích đất khoảng 62 hecta tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Nhà máy có tổng vốn đầu tư là 1.386 tỷ đồng, trong đó vốn góp của EVNCPC chiếm 22,97%. Hiện nhà máy đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ đưa vào vận hành đúng dịp 30/4/2019 tới.

Bám sát định hướng của Chính phủ về việc khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, Nghị quyết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNCPC đã quyết định đầu tư Dự án Điện mặt trời Điện lực miền Trung tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Đây là địa phương khí hậu nhiệt đới ôn hòa với tổng số giờ nắng trung bình lên tới 2.600 giờ/năm nên rất phù hợp để EVNCPC đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời. Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung có tổng vốn đầu tư xây dựng khoảng 1.372 tỷ đồng với tổng công suất 50MW. Mỗi năm nhà máy cung cấp sản lượng điện bình quân từ 87,598 GWh đến 98,147 GWh vào hệ thống điện quốc gia, góp phần cung cấp điện năng cho hệ thống điện cũng như tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam.

Việc đầu tư cho Dự án một lần nữa khẳng định quyết tâm của EVNCPC trong việc bám sát định hướng của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nguồn: EVNCPC