Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Emirates Flight Catering (EKFC), một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống lớn nhất thế giới vừa nghiệm thu thành công... Emirates Flight Catering công bố khoản đầu tư lớn vào năng lượng mặt trời

Emirates Flight Catering (EKFC), một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống lớn nhất thế giới vừa nghiệm thu thành công một hệ thống điện mặt trời tân tiến áp dụng cho các cơ sở của mình.

Dự kiến, hệ thống này sẽ giúp hãng giảm được 3 triệu kg khí thải nhà kính hàng năm. Đây là một phần trong nỗ lực đầu tư không ngừng của EKFC vào cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng tài nguyên.

Sáng kiến mới nhất của EKFC hỗ trợ Chiến lược năng lượng sạch Dubai 2050 do chính Quốc vương Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, khởi động vào năm 2015. Theo chiến lược này, Tiểu vương quốc Dubai đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ sản xuất được 75% nhu cầu năng lượng trong nước từ các nguồn nhiên liệu sạch.

Từ trái sang phải : Ông Muhammed Tariq, Trợ lý Phó chủ tịch phụ trách Kỹ thuật, Emirates Flight Catering, và ông Saeed Mohammed, Giám đốc điều hành của Emirates Flight Catering

Quốc vương Sheikh Ahmed bin Saeed Al Maktoum, Chủ tịch kiêm CEO của Hãng hàng không và Tập đoàn Emirates, cho biết: “Bền vững là một trụ cột quan trọng trong chiến lược của Tập đoàn Emirates. Chúng tôi cam kết quản lý một cách có trách nhiệm hoạt động kinh doanh và môi trường, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động của mình để giảm thiểu tác động ngay cả trong quá trình phát triển trong tương lai của tập đoàn. Những sáng kiến gần đây nhất của Emirates Flight Catering mở ra cơ hội mới để cải thiện hiệu suất tài nguyên, củng cố chiến lược trở thành một trung tâm toàn cầu về năng lượng sạch và nền kinh tế xanh của Dubai”.

Theo ông Saeed Mohammed, CEO của Emirates Flight Catering, nhà máy điện mặt trời tân tiến sẽ giúp chúng tôi tối ưu hóa tài nguyên và nâng cao hiệu suất môi trường hơn nữa. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên hữu quan, bao gồm khách hàng, nhân viên và các cộng đồng xung quanh. “Với tâm thế hướng đến sự hoàn hảo, chúng tôi luôn cam kết cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt nhất có thể cho khách hàng của mình bằng những giải pháp sáng tạo và bền vững” – ông Saeed Mohammed nhấn mạnh.

Nhà máy điện mặt trời áp mái của EKFC gồm có 8.112 tấm pin năng lượng mặt trời. Nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo ra lượng điện hàng năm là 4.195 MWH, cho phép công ty giảm 15% lượng tiêu thụ năng lượng truyền thống tại các cơ sở giặt là, sản xuất thức ăn và lưu trú cho nhân viên của mình. Nhờ đó mà lượng khí thải cacbon dioxit hàng năm của EKFC sẽ giảm được 3 triệu kg, tương đương với lượng điện năng mà 518 hộ gia đình sử dụng trong một năm.

EKFC nhận thấy rằng trách nhiệm môi trường có vai trò cốt lõi đối với sự thành công trong dài hạn của mình. Hãng cam kết sử dụng tài nguyên một cách bền vững và giảm thiểu tác động đối với môi trường từ mọi hoạt động tại các cơ sở của mình.

EKFC sẽ sớm bắt đầu khởi công xây dựng cơ sở canh tác thẳng đứng lớn nhất thế giới trong một dự án liên doanh với Crop One, một hãng đầu ngành có trụ sở tại Hoa Kỳ. Cơ sở canh tác trong môi trường kiểm soát rộng 130.000 foot vuông (hơn 12.000 mét vuông) này sẽ sản xuất được 2.700 kg rau ăn lá chất lượng cao, không thuốc diệt cỏ và không thuốc trừ sâu mỗi ngày, sử dụng lượng nước ít hơn 99% so với cánh đồng ngoài trời. Với vị trí của mình, cơ sở này sẽ cho phép vận chuyển sản phẩm tươi ngon một cách nhanh chóng, chỉ sau vài giờ kể từ lúc thu hoạch, duy trì giá trị dinh dưỡng của sản phẩm và giảm lượng khí thải cacbon cho quá trình vận chuyển. Dự kiến, những sản phẩm đầu tiên sẽ được chuyển tới khách hàng của Emirates Flight Catering vào năm 2020.

EKFC điều hành một chương trình tái chế toàn diện, đảm bảo phân loại những vật dụng có thể tái chế như chai nhựa, lon nhôm và giấy bạc từ rác thải nhà bếp sau khi đưa ra khỏi máy bay. Công ty cũng cho tái chế toàn bộ bao bì bằng bìa các-tông và giấy văn phòng thành sản phẩm giấy mới.

Hàng tháng, EKFC giảm được hơn 270.000 kg vật liệu đem chôn và đảm bảo tái chế 130.000 kg bìa các-tông, 4.000 kg giấy và 14.000 kg vỏ lon nhôm và giấy bạc, 120.000 kg chai thủy tinh và 10.000 kg chai nhựa.

Nguồn: Báo Công Thương