Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời và gió là lĩnh vực đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư, thể... Đột phá vào lĩnh vực điện mặt trời

Năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời và gió là lĩnh vực đang được Chính phủ khuyến khích đầu tư, thể hiện qua Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo khảo sát bức xạ mặt trời, hai tỉnh của Việt Nam giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng tái tạo là Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây cũng là nơi Tập đoàn BIM Group đã phát triển kinh doanh và sản xuất hơn 10 năm qua, với nhiều dự án đã được đầu tư và vận hành hiệu quả. Không chỉ vậy, BIM Group còn là một trong những đơn vị thu hút lao động và có những đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh Ninh Thuận.

Bước chuyển quan trọng

Là một tỉnh nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận có thời tiết khắc nghiệt, nắng nhiều, ít mưa. Đây chính là sự bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Chỉ có cây nho và cây táo cho năng suất. Các loại cây trồng khác hầu như không đem lại hiệu quả kinh tế. Cách đây hơn 10 năm, BIM Group đã có những bước đi đầu tiên về sản xuất – kinh doanh tại tỉnh Ninh Thuận. Với sản phẩm truyền thống là muối, nhưng muối của Ninh Thuận chủ yếu sản xuất thủ công, năng suất thấp.

Khi bắt tay vào đầu tư, BIM Group nhận thấy sản phẩm muối của Ninh Thuận còn đơn điệu, chủ yếu là muối ăn cho nên giá thấp, thiếu sức cạnh tranh. Từ nghiên cứu thị trường, tập đoàn nhận thấy, sản phẩm muối của Ninh Thuận có thể chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao, nhất là phục vụ sản xuất công nghiệp. Với diện tích thuê 2.000 ha, mỗi năm tập đoàn cũng chỉ đạt sản lượng 2.000 tấn muối, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động tại địa phương.

Phó Chủ tịch BIM Group Đoàn Quốc Huy cho biết: Nếu một ha làm muối mỗi năm chỉ đưa lại giá trị kinh tế khoảng hơn một triệu đồng, nếu chuyển sang lắp đặt pin sản xuất điện mặt trời, hiệu suất kinh tế sẽ tăng lên gấp hơn 20 lần. Cụ thể, làm điện mặt trời 1 ha sản xuất ra 1 MW thì giá trị kinh tế đạt 3 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm đứng chân trên vùng đất khô cằn, Chủ tịch BIM Group Đoàn Quốc Việt nhận thấy, Ninh Thuận có những ưu thế mà thiên nhiên ban tặng là gió và nắng.

Là đơn vị chuyên ngành năng lượng tái tạo, tập đoàn đã nghiên cứu, bắt tay ngay vào khai sáng, đánh giá tiềm năng này ở Ninh Thuận. Cùng với Tập đoàn AC Energy, một tập đoàn có 184 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Phi-li-pin cùng hợp tác, tập đoàn đã sớm đưa ra những tiềm năng biến gió và ánh sáng mặt trời trở thành điện năng tại Ninh Thuận. Theo Tổng Giám đốc điều hành của Tập đoàn AC Energy E.Phran-xi-a: Ninh Thuận có mức độ chiếu xạ mặt trời tốt nhất Việt Nam, có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển các nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời.


Lễ động thổ khởi công xây dựng Nhà máy Điện mặt trời BIM 1 tại Ninh Thuận. Ảnh: CÔNG THỬ (TTXVN)

Dựa trên quy hoạch năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận trình Chính phủ, BIM Group đã sớm thiết kế, đấu thầu quốc tế, lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực để triển khai xây dựng Nhà máy Điện mặt trời BIM 1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết: Tỉnh đánh giá cao bước đi mang tính đột phá của BIM Group trong lĩnh vực năng lượng sạch. Tiềm năng điện mặt trời của Ninh Thuận bao nhiêu năm chìm sâu trong “giấc ngủ”, nhưng hôm nay đã được “đánh thức”.

Như vậy là chỉ sau năm tháng chạy đua với thời gian để chuẩn bị các thủ tục, BIM Group đã khởi công ngay nhà máy năng lượng mặt trời đầu tiên có công suất 30 MW. Sau khi hoàn thành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia gần 50 triệu kW/giờ. Đặc biệt hơn, đây sẽ là “cú huých” để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trung tâm năng lượng tái tạo Ninh Thuận.

Tầm nhìn tương lai

Chủ tịch Tập đoàn BIM Group Đoàn Quốc Việt cho biết: “Là một tập đoàn phát triển hàng đầu tại Việt Nam, tôn chỉ “nơi kiến thức trở thành giá trị” được đặt ra làm kim chỉ nam cho tất cả các lĩnh vực kinh doanh, chúng tôi luôn tiến hành các hoạt động kinh doanh gắn với phát triển bền vững. Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua các dự án bất động sản hay nuôi trồng, chế biển thủy hải sản và sản xuất, chế biến muối…, chúng tôi còn mong muốn góp phần tạo ra một môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc xây dựng nhà máy điện mặt trời sẽ mang đến một nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm, có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thấp nhất biến đổi khí hậu và có lợi ích về kinh tế lâu dài”.

Mục tiêu ngắn và trung hạn của BIM Group là tới năm 2019 hình thành khu trang trại năng lượng sạch lớn nhất Việt Nam với quy mô gần 3.000 ha, công suất 300MW trên địa bàn Ninh Thuận. Mục tiêu dài hạn đến năm 2025 là phát triển ít nhất 1.000MW năng lượng sạch (bao gồm điện gió và điện mặt trời). Với mục tiêu rõ ràng này, BIM Group đã hợp tác cùng Tập đoàn Ayala, một trong những tập đoàn lớn nhất tại Phi-li-pin nhằm phát triển dự án Nhà máy điện mặt trời dự án BIM 1 (Dự án 18E). Thêm vào đó, dự án sẽ được xây dựng bởi Công ty Conergy, một nhà thầu có 20 năm kinh nghiệm, đã xây dựng hơn 300 nhà máy năng lượng mặt trời ở châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và châu Á.

Hôm khởi công dự án Nhà máy điện mặt trời tại thôn Quán Thẻ, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, có nhiều vị cao niên, cựu lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đến dự. Ai cũng vui vì vùng đất cằn khô, thiếu nước, chỉ có cây xương rồng và phi lao trụ nổi mai này sẽ trở thành trung tâm điện mặt trời của tỉnh và cả nước.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận cho biết: “Ninh Thuận xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế biển và phát triển năng lượng tái tạo. Về điện mặt trời và điện gió, có thể khẳng định, Ninh Thuận hội đủ thế mạnh và tiềm năng, được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ và ủng hộ, tương lai Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, Tỉnh đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của BIM Group. Việc khởi công giai đoạn 1 của dự án bao gồm: Nhà máy Điện mặt trời BIM 1 và sắp tới là BIM 3, có công suất 330 MW đã khẳng định nhiệt huyết của nhà đầu tư với Ninh Thuận”.

Sau bảy tháng thi công, vào đầu quý III-2018, nhà máy điện mặt trời BIM 1 sẽ vận hành và khai thác thương mại, cung cấp nguồn điện mặt trời đầu tiên cho đất nước. Khi ấy, trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thuận Nam, một bên là những cánh đồng muối trắng, một bên sẽ là những cánh đồng điện gió với những tấm pin mặt trời ken dày san sát. Ninh Thuận sẽ đi lên bằng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, một ngành công nghiệp sạch.

Có thể thấy rằng, xu hướng chuyển đổi từ sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng tái tạo đang là bước chuyển hướng tất yếu trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với mục tiêu trở thành tập đoàn tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, BIM Group quyết tâm cùng Tập đoàn Ayala đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững lâu dài cho Ninh Thuận nói riêng, đất nước ta nói chung, mở ra giai đoạn mới trong phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, giảm đến mức thấp nhất hiệu ứng phát thải khí nhà kính và đó chính là xu thế cho phát triển bền vững.

Nguồn nhandan.com.vn