Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Đại học xanh thay đổi nhận thức sinh viên Đại học xanh thay đổi nhận thức sinh viên
Trước các quan ngại về môi trường, lỗ thủng tầng ozon, Trái đất ấm lên và hơn hết là để gìn giữ thiên nhiên,... Đại học xanh thay đổi nhận thức sinh viên

Trước các quan ngại về môi trường, lỗ thủng tầng ozon, Trái đất ấm lên và hơn hết là để gìn giữ thiên nhiên, môi trường xanh cho các thế hệ sau, các trường đại học (ĐH) trên thế giới đã tự chuyển mình, trở thành trường ĐH xanh với mục tiêu tạo ra 0% chất ô nhiễm.

Green Man của ĐH nghiên cứu Wageningen (Hà Lan). Nguồn: website của trường

Là sinh viên ĐH Thammasat, sẽ yêu môi trường hơn

Thành lập năm 1934, Thammasat ở Khlong Luang, Pathum Thani là trường ĐH lâu đời thứ nhì ở Thái Lan với tôn chỉ: trường ĐH vì mọi người. Để kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2034, trường đang hướng tới mục tiêu trở thành trường ĐH xanh, sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tạo ra 0% phát thải carbon. Năm 2017, trường hoàn thành dự án lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái các tòa học xá trị giá 700 triệu baht (506 tỉ đồng).

GS Prinya Thaewanarumitkul, phó hiệu trưởng ĐH Thammasat, cho biết là một trường ĐH công lập, 700 triệu baht là số tiền lớn mà nhà trường không kham nổi. Để biến điều không thể thành có thể, lãnh đạo nhà trường đã mời nhà đầu tư tư nhân và cam kết mua lại điện mặt trời từ hệ thống của họ với giá bình thường. Mỗi năm, tiền mua điện từ lưới điện quốc gia của nhà trường vào khoảng 300 triệu baht.

Sau khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, hiện mỗi tháng nhà trường tiết kiệm được 10% tiền điện. Khi sản xuất được 15MW điện theo kế hoạch, trường sẽ tiết kiệm được 30%, tương đương 7,5 triệu baht (5,5 tỉ đồng) mỗi năm. Nhưng theo GS Prinya, vấn đề không chỉ là tiết kiệm tiền.

Thammasat muốn chứng minh tự sản xuất điện là khả thi, nếu mọi nhà đều làm thì áp lực cho điện lưới quốc gia sẽ giảm và giảm các nhà máy điện ô nhiễm, thiếu bền vững như nhiệt điện. Dự án điện mặt trời của ĐH Thammasat hiện là dự án điện mặt trời trên mái nhà lớn nhất trong số các trường ĐH ở châu Á và thứ 4 trên thế giới, sau ba trường ĐH của Mỹ. GS Prinya cho biết: Dự án sẽ hoàn vốn trong vòng 8 năm và có thể sử dụng đến 30 năm.

Theo GS Prinya, hầu như tháng nào trường cũng đón những đoàn khách tham quan từ khắp nơi ở Thái Lan đến học tập kinh nghiệm. Ông cho biết: “Hiện giờ, vào thứ bảy, chủ nhật, chúng tôi dư điện vì trường không có nhiều lớp học trong hai ngày này. Nếu có thể tích trữ được điện khi giá pin công suất lớn rẻ hơn, chúng tôi sẽ còn sử dụng điện hiệu quả hơn. Chủ trương của nhà trường là đa dạng hóa các nguồn điện tái tạo gồm điện gió, địa nhiệt điện, điện từ sóng dưới sông Chao Praya”.

Mục tiêu trở thành trường học xanh của Thammasat gắn chặt chẽ các sinh viên (SV). Họ được dạy lối sống xanh và trách nhiệm xã hội với môn học bắt buộc TU100: Civic Education (giáo dục công dân). Mỗi SV phải thực hiện một dự án tại cộng đồng để giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể mà theo lời Peerada Lumyai – SV ngành quản trị xã hội: “Môn học này mãi mãi thay đổi cách hành xử của SV với môi trường xung quanh”.

Đi trong Trường Thammasat, đừng ngạc nhiên khi gặp từng nhóm SV tay cầm que gắp, túi lượm những mẩu rác vương vãi trong sân trường. Đây là một phần của môn giáo dục công dân, nhưng về sau đã trở thành một lối sống.

Theo GS Prinya, công nghệ có vai trò quan trọng trong những cải tiến xanh, từ những thùng rác cảm ứng biết báo khi đầy rác, biết ép rác đến những hệ thống cảm ứng tắt đèn đều gắn liền với công nghệ. Chỉ cần cài một số ứng dụng là SV, những người “rất thích vọc smartphone”, có thể sử dụng nhiều tiện ích xanh của nhà trường.

Chẳng hạn, họ chỉ cần quét mã vạch bằng điện thoại là có thể sử dụng 1 trong 600 chiếc xe đạp dùng chung miễn phí của trường. Từ tháng 4-2018 trở đi, nhà trường có kế hoạch thu 5 baht (khoảng 3.500 đồng) cho mỗi 30 phút sử dụng.

Là một ĐH lớn, có cả bệnh viện trong khuôn viên, việc đi lại giữa các học xá còn nhờ vào hệ thống xe buýt chạy bằng năng lượng mặt trời vận chuyển mỗi lần 20-30 SV.

Nếu chưa yêu môi trường, trở thành SV của Thammasat, tình yêu môi trường sẽ sinh sôi trong bạn lúc nào không biết. Trường có những chiếc thuyền kayak để SV rèn luyện thể thao kết hợp làm vệ sinh kênh Tiw Son. Đa số SV đều rất thích tham gia hoạt động lý thú này. “Đó là hoạt động thể dục rất thú vị và là khoảng thời gian thư giãn tuyệt vời” – SV Maytapat Pararaman nói về việc chèo thuyền kayak vớt rác trong màu áo Thammasat.

Xe đạp miễn phí cho SV đi lại tại ĐH Thammasat. Ảnh: Hồng Vân

3 trường ĐH xanh nhất thế giới

1. ĐH nghiên cứu Wageningen (Hà Lan) khá nổi tiếng về ngành thực phẩm và khoa học về cuộc sống. Vấn đề phát triển bền vững rất được nhà trường chú trọng và ban giám hiệu đã đề ra kế hoạch hành động vì khí hậu Wageningen 2017-2021. Kế hoạch này vạch ra lộ trình trở thành trường ĐH không carbon (climate neutral) cho Wageningen.

Hằng năm, trường tính toán lượng phát thải carbon. Năm 2016, ĐH Wageningen đã giảm 46% phát thải carbon so với năm 2010. 87% năng lượng dùng trong nhà trường từ các nguồn năng lượng thay thế, trong đó chủ yếu từ điện gió.

Trường cũng tự đề ra và áp dụng các tiêu chí nghiêm khắc trong xây dựng, bảo trì và nâng cấp cơ sở vật chất. Trong trường thường xuyên có sự xuất hiện của các Green Man để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững trong SV và giáo viên.

Trường có giải thưởng Giáo viên xanh và các phong trào như Ngày thứ hai giảm ăn thịt ở căngtin, tuần lễ Nghiêm túc vì sự bền vững… để mọi người đều có thể tham gia thực hành sống xanh, hành động xanh.

2. Cam kết của ĐH Nottingham (có cơ sở ở Trung Quốc, Anh và Malaysia) là trở thành trường ĐH xanh hàng đầu thế giới và đã làm được. Việc giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động của trường đều gắn chặt với mục tiêu này.

ĐH Nottingham đã tổ chức hàng trăm hoạt động cho SV để bảo vệ môi trường, trở thành một lối sống chứ không chỉ phong trào. Với rác thải, nhà trường phân loại rác tại nguồn và cung cấp kỹ thông tin cho từng SV. Vị trí bỏ rác tái chế như giấy, vỏ hộp, vỏ chai được đặt ở những nơi SV thường lui tới như thư viện, quán cà phê, ký túc xá, giảng đường… Mạng lưới chia sẻ và tái sử dụng đồ dùng WARPit rất phổ biến để SV cho, tặng lại đàn em đồ dùng của mình.

Điều này rất thiết thực ở các trường ĐH khi luôn có những đồ cũ bị vứt đi, trong khi những người mới dọn vào ký túc xá lại rất cần. SV và giáo viên được thuê xe đạp dài hạn để đi lại và di chuyển trong khuôn viên nhà trường.

3. ĐH California Davis là ngôi trường xanh rất nổi tiếng ở Mỹ. Trường có vườn thực vật được hình thành từ năm 1936, diện tích 40,5ha mà bước vào đó, người ta ngỡ như đang đi trong rừng. Các công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng ngay trong khuôn viên trường để giúp trường xanh hơn, sạch hơn, hiệu quả hơn.

Một trong số đó là nghiên cứu biến rác hữu cơ thành điện năng của GS ngành kỹ thuật sinh thái nông nghiệp Ruihong Zhang: trường có một nhà máy chế biến được 50 tấn rác hữu cơ thành 12.000kWh điện/ngày, giúp xử lý 20.000 tấn rác trong vùng mỗi năm.

Mục tiêu của ĐH California Davis đến năm 2025 sẽ trở thành trường không carbon, các học xá không lãng phí năng lượng và được thiết kế theo các tiêu chuẩn LEED (Định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) của Hội đồng Tòa nhà xanh Hoa Kỳ.

Thông qua giáo dục, SV ĐH California Davis trở thành những con người biết nghĩ, hành động và truyền cảm hứng cho người khác về môi trường. Họ sống có nghĩa với môi trường bằng những hành động nhỏ: tắt bóng đèn, tự đem theo ly cốc riêng và từ chối ly giấy, ly nhựa, đi xe đạp, chọn mua các thiết bị và sản phẩm sử dụng điện năng hiệu quả, đi xe đạp. Trường còn khuyên SV nên tự trồng một ít rau trong khuôn viên đất của mình.

Nguồn: SolarV