Đà Nẵng: Xây dựng dữ liệu tiềm năng năng lượng mặt trời
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng ba 15, 2019 Năng Lượng News
Một cơ sở dữ liệu tiềm năng năng lượng mặt trời bao quát cả thành phố Đà Nẵng sẽ giúp cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, nhà đầu tư khi lập kế hoạch xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời. Điều này phù hợp với chủ trương của Đà Nẵng hướng tới ‘Thành phố môi trường’ và phát triển năng lượng bền vững trong bối cảnh tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính.
Quang cảnh hội thảo
Ngày 14/3, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời (NLMT) cho TP. Đà Nẵng.
Đây là một trong những hợp phần quan trọng thuộc Dự án Phát triển Năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng (DSED) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch trên cơ sở bền vững.
Theo đánh giá của DECC, Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ NLMT để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày. Như vậy, có thể thấy rằng NLMT tại Đà Nẵng có tiềm năng lớn, phù hợp với việc khai thác, sử dụng loại năng lượng này để phát triển trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai. Tuy nhiên, việc hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ để hình thành bản đồ về tiềm năng NLMT thì chưa có.
Từ cuối năm 2018, gói thầu “Xây dựng cơ sở dữ liệu năng lượng mặt trời và bản đồ tiềm năng ứng dụng năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng” được triển khai. Các kỹ sư và nhà khoa học đã tiếp cận các nguồn cơ sở dữ liệu và trực tiếp đo đạc tại nhiều mái nhà, khu vực mặt đất, mặt nước để xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng mặt trời. Trong đó, việc xác định đối tượng người sử dụng cuối cùng khi tiếp cận thông tin, công thức tính toán tiềm năng kỹ thuật và kinh tế, vấn đề đấu nối đối với các dự án điện mặt trời là các nội dung cần xem xét kỹ lưỡng. Sau đó, tích hợp cơ sở dữ liệu lên bản đồ và hình thành sản phẩm phần mềm trên nền tảng website để đăng tải công khai.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan liên quan đã đóng góp ý kiến cho nhóm tư vấn để bộ cơ sở dữ liệu đánh giá tiềm năng NLMT được hoàn thiện. Từ đó, DECC sẽ tiếp nhận quy trình kỹ thuật quản lý, khai thác, duy trì dữ liệu NLMT Đà Nẵng.
Theo ông Dương Hoàng Văn Bản – Giám đốc DECC, khâu xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ tiềm năng ứng dụng năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi công cụ này giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý, các nhà đầu tư tư nhân, các đơn vị tài trợ, các chuyên gia tư vấn và các bên liên quan khác… khi bắt tay xây dựng chính sách, lập kế hoạch và đưa ra quyết định đầu tư liên quan đến năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng.
“Hàng loạt các chính sách ưu đãi và khuyến khích nhằm phát triển năng lượng bền vững, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời,… tất cả đều dựa trên cơ sở dữ liệu và bản đồ tiềm năng. Ngoài ra, hệ cơ sở dữ liệu và bản đồ tiềm năng ứng dụng này cũng rất có ý nghĩa với “Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2017 – 2022” do UBND thành phố ban hành”- ông Dương Hoàng Văn Bản cho biết.
Được biết, dự án “Phát triển Năng lượng Mặt trời tại Đà Nẵng” (DSED) chính thức khởi động ngày 4/11/2017. Tổng kinh phí cho dự án gồm 444.000 EUR bao gồm nguồn tài trợ từ EU và vốn đối ứng của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC). Trong đó, nguồn viện trợ từ EU chiếm đến 85% tổng kinh phí đầu tư cho dự án. Dự án thực hiện trong vòng 40 tháng từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2020.
Nguồn: Báo Mới