Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Theo một báo cáo mới đây của Bloomberg New Energy Finance về những thay đổi trong sản xuất điện đến năm 2050, thì trong... Thế giới sẽ sử dụng 50% năng lượng có thể tái tạo và 11% than đá vào năm 2050

Theo một báo cáo mới đây của Bloomberg New Energy Finance về những thay đổi trong sản xuất điện đến năm 2050, thì trong 33 năm tới, thế giới sẽ sản sinh gần 50% điện năng từ năng lượng có thể tái tạo.

Cùng với sự tăng lên của điện năng từ năng lượng tái tạo là sự sụt giảm của than đá, khi loại nguyên liệu truyền thống này sẽ chỉ chiếm khoảng 11% trong tổng số các nguồn điện năng trên thế giới.

Nếu tính thêm cả thủy điện và năng lượng hạt nhân, thì các nguồn điện không gây ra khí nhà kính chiếm đến 71% tổng sản lượng điện toàn thế giới. Tuy nhiên, báo cáo của công ty phân tích năng lượng sạch này không cho thấy một viễn cảnh tươi sáng đối với năng lượng hạt nhân, đó là chưa nói đến việc sau một giai đoạn thu hẹp về mặt quy mô, đóng góp của ngành công nghiệp hạt nhân đối với quá trình sản sinh điện năng toàn cầu được cho là sẽ giảm sút.

Thay vào đó, việc giảm giá thành của quang điện (PV), phong điện, và pin sẽ tạo ra sự dịch chuyển lớn trong đầu tư trên lĩnh vực năng lượng. Bloomberg New Energy Finance (BNEF) nhấn mạnh rằng “PV và phong điện hiện đã rẻ hơn so với việc xây dựng các nhà máy điện mới dùng nhiên liệu than hay khí gas quy mô lớn“. Bên cạnh đó, BNEF dự báo sẽ có hơn 500 tỷ USD được đầu tư vào pin cho đến năm 2050, với 2/3 trong số đó dùng vào việc lắp ráp vào các lưới điện và 1/3 dùng ở cấp dân sinh.

Khí gas và điện

Báo cáo trên còn cho rằng tiêu thụ khí gas sẽ tăng rất khiêm tốn. Việc sử dụng khí gas được dự báo sẽ giảm đáng kể ở châu Âu và tăng lên ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Trên toàn thế giới, khí gas và pin sẽ đóng những vai trò quan trọng trong việc làm dịu đường cung của các tiện ích đòi hỏi nhiều năng lượng tái tạo.

Viễn cảnh tương lai này còn bao gồm cả sự tăng trưởng của các phương tiện chạy điện (EV). BNEF dự báo rằng các loại xe điện này sẽ làm nhu cầu điện toàn thế giới tăng lên 3.461 terawatt-giờ vào năm 2050. Nhưng công ty phân tích này cũng cho rằng khoảng một nửa nhu cầu này sẽ diễn ra một cách linh động, với những chiếc xe điện sạc khi năng lượng tái tạo trở nên dồi dào.

Tất nhiên, những dự báo nêu trên đều được đưa ra mà chưa tính đến sự can thiệp của các quy định từ các nhà làm luật. Tổng thống Trump mới đây đã yêu cầu Bộ Năng lượng sử dụng luật thời chiến để giữ cho các nhà máy điện than và hạt nhân hoạt động hết công suất dù chúng chẳng mang lại lợi nhuận. Điều này có thể làm sai lệch các dự báo nếu chính quyền tiếp tục đi theo hướng đó.

Báo cáo mới nhất của BNEF tập trung vào các yếu tố kinh tế có khả năng ảnh hưởng đến thị trường năng lượng trong tương lai. Báo cáo này kết hợp các phân tích của 65 nhà nghiên cứu có kinh nghiệm ở cấp độ quốc gia hoặc công nghệ. Các báo cáo khác dường như cũng khá trùng khớp với phân tích của BNEF. Vào năm 2017, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra một báo cáo dự đoán đến năm 2040 với các kết quả phần lớn tương đồng. Đến năm 2040, IEA dự đoán năng lượng tái tạo sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ của năng lượng từ than đá và năng lượng hạt nhân trong lưới điện, trong khi khí gas vẫn giữ một mức chuyển dịch đều đặn. IEA còn dự báo rằng sự mở rộng nhanh chóng của PV và năng lượng gió ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đến khoảng 40% sản lượng điện trên thế giới là năng lượng tái tạo vào năm 2040.

Liệu có đủ không?

 
Đường màu tím cho thấy khí thải carbon toàn cầu nếu chúng ta buộc mọi nhà máy sản xuất điện từ than đá phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ để đạt được đường xanh lá bên dưới.

Câu hỏi cuối cùng vẫn là: liệu chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có đủ để giảm bớt những hiệu ứng tồi tệ của biến đổi khí hậu hay không? Báo cáo của BNEF nhấn mạnh rằng nếu nền kinh tế diễn ra theo đúng mô hình, thì lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ lên đỉnh điểm vào năm 2027 và giảm 2% mỗi năm kể từ cột mốc đó. Có được kết quả này là nhờ việc “giải tán” các nhà máy điện từ than đá ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Không may là báo cáo cho biết việc loại bỏ mọi năng lượng từ than đá sẽ không giúp giới hạn sự ấm lên toàn cầu ở mức 2 độ C theo đúng Công ước Paris. Để đạt được gần mức đó, BNEF cho biết thế giới cần một công nghệ đáng kể để “khử carbon khí gas trên diện rộng”  hoặc một số công nghệ mới có thể thay thế vai trò của khí gas trong lĩnh vực sản xuất năng lượng. Dù giải pháp thứ hai có thể bao gồm việc giảm mạnh giá pin hoặc trợ giá mạnh đối với năng lượng hạt nhân, giải pháp thứ nhất có lẽ là một thứ tương tự như nhà máy NETPower hiện đang được thử nghiệm tại Texas với khả năng hấp thụ khí carbon ngay khi nó được tạo ra.

Nguồn: Genk (Tham khảo:ArsTechnica)