Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Từ những vỏ chai nhựa và ắc-quy năng lượng mặt trời, thầy Phạm Thư Tùng và hơn 40 học trò đã mang... Thầy trò ở Sài Gòn lắp ‘đèn ve chai’ cho người nghèo

Nangluong.news – Từ những vỏ chai nhựa và ắc-quy năng lượng mặt trời, thầy Phạm Thư Tùng và hơn 40 học trò đã mang ánh sáng của bóng đèn đến nhiều người nghèo ở Sài Gòn.

Dự án Ánh sáng hạnh phúc do thầy Phạm Thư Tùng (giáo viên Lý) của trường THPT Ernst Thälmann (quận 1, TP HCM) được đánh giá cao và vừa giành giải nhất hạng mục dạy học theo dự án của cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin”.

Thầy Tùng chia sẻ, dự án do anh và đồng nghiệp Mai Xuân Long (giáo viên Toán) hướng dẫn hơn 40 học sinh thực hiện từ tháng 10/2016.

Mùa trung thu năm ngoái, thầy trò trường tôi tổ chức chương trình vui chơi cho thiếu nhi ở khu vực cầu Tám Nó, quận 8, thấy nhiều hộ dân ở đây không có đèn điện. “Về nhà, tôi suy nghĩ cách nào đó mang ánh đèn đến nơi này”, thầy Tùng kể về cơ duyên của dự án.

Mong muốn của thầy Tùng nhanh chóng được nhiều học trò hưởng ứng. Họ đưa ra ý tưởng về một chiếc đèn mà người nghèo không phải trả tiền điện. Với những kiến thức ở môn Lý trong chương trình, thầy Tùng gợi ý sản phẩm đèn năng lượng mặt trời.

Thầy Phạm Thư Tùng (áo đen) cùng học trò thử nghiệm chiếc “đèn ve chai”. Ảnh: N.N

Gần hai tháng sau đó, tranh thủ những giờ nghỉ, thầy trò tập trung mày mò, thử nghiệm chiếc bóng đèn từ vỏ chai nhựa, bên trong chai sẽ đổ đầy nước javen. Do sử dụng các vỏ chai nước khoáng bỏ đi nên thầy trò gọi vui là “đèn ve chai”.

Những chiếc bóng đèn LED có kết nối ắc-quy năng lượng mặt trời, được bọc một ống mica để khi cho vào chai nhựa không bị ướt. Điện được tích từ năng lượng mặt trời ban ngày sẽ chiếu sáng vào ban đêm.

“Sau khi thử nghiệm thành công, nhóm tiến hành mua vật liệu để làm đại trà nhiều chiếc bóng đèn tương tự. Kinh phí ban đầu do thầy trò đóng góp. Mỗi chiếc đèn có giá khoảng 200-300 nghìn đồng”, thầy Tùng kể.

Tiếp đó, nhóm khảo sát thực tế và lựa chọn địa điểm thi công là một hộ dân ở khu vực cần Tám Nó (quận 8) vào cuối tháng 12/2016. Sau đó, nhóm tiếp tục lắp đèn cho một số hộ dân ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) và hai con hẻm nhỏ ở Sài Gòn.

Thầy giáo 31 tuổi kể, các cô cậu học trò đã trở thành những người thợ lành nghề, biết sử dụng các loại máy khoan, máy cưa, hàn xì và lắp ráp các mạch điện thuần thục.

“Không chỉ giúp đỡ được một số hộ dân nghèo, qua dự án này thầy trò còn học hỏi được nhiều giá trị trong cuộc sống. Học sinh không chỉ áp dụng kiến thức môn Lý, Hóa… vào thực tế mà còn biết cách làm việc nhóm, giải quyết những mâu thuẫn trong công việc”, thầy Tùng nói, giọng tự hào.

Gian trưng bày của dự án “Ánh sáng hạnh phúc” tại vòng chung kết “giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” ngày 19/2. Ảnh: Mạnh Tùng

Hôm báo cáo dự án này cho phụ huynh ở trường Ernst Thälmann dịp cuối học kỳ 1, nhiều cha mẹ đã bất ngờ với sự trưởng thành của con và tình nguyện bỏ tiền tiếp sức cho thầy trò làm dự án.

“Phụ huynh giúp hơn 30 triệu, trừ những chi phí đã làm ban đầu, chúng tôi sẽ sử dụng số tiền còn lại để lắp đèn cho nhiều hộ dân khác. Sắp tới, chúng tôi làm việc với một tổ chức phi chính phủ để phát triển dự án này rộng hơn”, thầy giáo chia sẻ kế hoạch trong tương lai.

Là người phụ trách mảng điện tử cho dự án này, Dương Thị Thùy Trang (lớp 10) tỏ ra rất phấn khích khi nhìn thấy niềm vui của các cô, bác được sử dụng bóng đèn. “Nhìn những con hẻm nhỏ tối om ngày trước giờ sáng ánh đèn, em thấy vui lắm vì mình đã góp sức nhỏ bé giúp cộng đồng”, Trang nói.

Nam sinh lớp 11, Nguyễn Hưng Long thì tự hào vì mình trở nên chững chạc, trưởng thành hơn sau mấy tháng làm dự án. “Em và các bạn đã trèo lên các mái nhà, cột điện như những thợ điện. Tụi em cảm nhận được giá trị khi được chia sẻ và giúp đỡ mọi người”, Long cho hay. Nam sinh tỏ ra nóng lòng tiếp tục tham gia dự án ở những nơi nghèo khó khác.

Thầy Phạm Thư Tùng (giữa) nhận giải nhất hạng mục dạy học theo dự án. Ảnh: Mạnh Tùng.

Bà Trần Thị Thơm (Hiệu phó trường THPT Ernst Thälmann) không giấu được xúc động khi chứng kiến thành quả mà nhóm thầy trò Ánh sáng hạnh phúc làm nên.

“Dự án không chỉ thay đổi cách dạy và học trong nhà trường, khi vai trò của học sinh được chú trọng. Mà hơn hết, các em đã nhận về mình những giá trị quý báu, đó là sự nhân văn khi được sẻ chia với cộng đồng”, bà Thơm đánh giá.

Năm học này, vòng chung kết cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” có 105 dự án của hàng trăm trường phổ thông toàn TP HCM tham dự. Phần lớn các dự án dạy học được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá tốt về tính sáng tạo và khả thi, giàu tính nhân văn.

Nguồn: Vnexpress