Mỹ sẽ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
Tin Tức Năng Lượng Tháng sáu 10, 2017 Năng Lượng News
Viện nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích về giải pháp nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực từ tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Chính quyền Tổng thống Donald Trump của nhóm tác giả là các chuyên gia về chính sách năng lượng, công nghệ thông tin gồm ông David Hart, ông Chad Smith và ông Mark Muro với nội dung như sau:
Tỷ phú Richard Branson một lần nữa chỉ trích quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong ảnh: Tỷ phú Richard Branson phát biểu tại New York, Mỹ ngày 8/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Trump khiến cả thế giới kinh ngạc khi tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 194 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định cảm thấy bất bình và phần lớn người dân Mỹ, những người ủng hộ việc Mỹ ở lại Hiệp định này cảm thấy họ không có tiếng nói. Điều an ủi là chính quyền các bang trên khắp nước Mỹ đang cố gắng hạn chế tác động xấu của việc này bằng cách tiếp tục các cam kết về năng lượng sạch – yếu tố quan trọng nhất trong đóng góp của Mỹ đối với các giải pháp về biến đổi khí hậu.
Theo ông Michael Bloomberg – cựu Thị trưởng thành phố New York – các bang và địa phương của Mỹ nên đẩy mạnh việc chống biến đổi khí hậu bằng cách chính thức đăng ký cam kết sử dụng năng lượng sạch với cộng đồng quốc tế và tập hợp các cam kết đó lại thành một tuyên bố thống nhất. Hành động thống nhất và mang tính xây dựng của chính quyền bang và địa phương không thể là một sự thay thế toàn diện cho sự rút lui của Chính quyền Liên bang Mỹ nhưng nó có thể đem lại làn sóng hướng tới xây dựng một nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch.
Bản thân Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trao cho các bang và các địa phương Mỹ công cụ này. Hiệp định này không trừng phạt bên nào không tuân thủ mà thay vào đó xây dựng nhận thức và tin tưởng lẫn nhau. Các bên tham gia độc lập tuyên bố các cam kết của mình nhằm giảm lượng khí thải nhà kính và ủng hộ các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải. Sự minh bạch của các cam kết tạo nên nhận thức chung và các biện pháp kiểm tra tạo nên sự tin tưởng. Dần dần cơ chế này có thể dẫn tới một chuỗi các hoạt động nhằm giảm tác động xấu của biến đổi khí hậu tới sức khỏe con người, nền kinh tế, môi trường – điều mà vẫn đang xảy ra ở cấp độ toàn cầu và ngày càng tồi tệ hơn mỗi năm.
Trong khi các quốc gia là các bên pháp lý của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì các chính quyền bang và địa phương là các bên tham gia quan trọng – những đối tượng có thể đóng góp trực tiếp cho việc có thể đạt được mục tiêu của thỏa thuận này hay không. Các bang và địa phương, cũng như các quốc gia, quyết định đặt ra các mục tiêu giảm khí thải và tuyên bố những mục tiêu này với thế giới.
Cổng Thông tin Hành động về Khí hậu (NAZCA) đã được thiết kế để cung cấp cơ sở cho các bên đều nhận thức rõ về những cam kết của mình thông qua việc đăng ký với cộng đồng quốc tế. Các thống đốc, thị trưởng và lãnh đạo các nước sẽ báo cáo về cam kết cắt giảm lượng khí thải của từng khu vực do họ quản lý thông qua NAZCA, trong đó hướng đến mục tiêu cắt giảm 80% lượng khí thải nhà kính hoặc đạt tỷ lệ lớn hơn vào năm 2050.
Các thống đốc và nghị sỹ, các hội đồng thành phố, các thị trưởng trên khắp nước Mỹ bắt đầu sẵn sàng gánh vác trách nhiệm mà Tổng thống Trump đã từ bỏ. Có 203 nhà lãnh đạo của Mỹ đã đăng ký trên cổng NAZCA. Bang Minnesota đã xây dụng 6 cam kết cụ thể về năng lượng sạch. Houston, Nashville và Memphis nằm trong nhóm 182 thành phố của Mỹ tuyên bố tham gia nhóm sử dụng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chính quyền bang và địa phương ở Mỹ đang có hoạt động chống biến đổi khí hậu nhưng chưa đăng ký cam kết. Trong một cuộc gặp của các thị trưởng Mỹ, hơn 1.000 thành phố Mỹ đã thông qua các mục tiêu giảm khí thải nhà kính. Ở nhiều khu vực của Mỹ, năng lượng sạch đang trở thành yếu tố then chốt của phát triển kinh tế. Lĩnh vực năng lượng sạch phát triển mạnh, tạo thêm nhiều việc làm đang xuất hiện tại nhiều thành phố lớn nhỏ trên khắp nước Mỹ. Các bang và địa phương ở Mỹ có thể gửi thông điệp tới toàn thế giới: Chúng tôi ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu dù Tổng thống Trump có nói gì đi nữa.
Điều thứ hai là sự hình thành một diễn đàn mới dành cho việc công khai và bổ sung các cam kết. Tại diễn đàn này, mỗi bang có thể chia sẻ kế hoạch giảm khí thải của mình với mức độ và cách thức phù hợp nhất với điều kiện của bang đó. Diễn đàn này có thể bảo đảm với thế giới rằng Chính quyền Liên bang chứ không phải nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đồng thời, diễn đàn này cũng có thể khuyến khích các thành viên thực hiện nhiều bước đi tham vọng hơn ở cấp độ bang và địa phương. Cạnh tranh lành mạnh và sự phối hợp giữa các hệ thống năng lượng ở mỗi bang, sự động viên của những người dân và công ty có thể biến tiến trình đưa ra các cam kết trở thành cuộc đua thực sự.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, một giải pháp mới, có phối hợp, hiệu quả hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng đều rất cần thiết. Các bang và địa phương ở Mỹ nên phản ứng lại với quyết định vội vã và ngắn hạn của Tổng thống Trump bằng những cam kết chuyển đổi hệ thống năng lượng cũ từ những năm 1990 sang một hệ thống năng lượng sạch, năng động phù hợp với thế kỷ mới. Theo cách đó, sự gián đoạn 4 năm của chính sách Liên bang đối với vấn đề này không nhất thiết sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Những bước đi tham vọng của các bang và địa phương sẽ đảm bảo rằng một vị Tổng thống Mỹ trong tương lai sẽ muốn quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nguồn baotintuc.vn