Phát triển năng lượng: Tìm hướng đi phù hợp
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng ba 22, 2019 Năng Lượng News
“Tìm kiếm các giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), năng lượng xanh vô cùng quan trọng; trong đó, điện mặt trời, điện gió đã trở thành một giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” – đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk 2019 vừa diễn ra.
Khai thác tốt cơ hội
Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, dự kiến cấp phép 8.000MW năng lượng tái tạo và điện mặt trời. Đến nay, Chính phủ và Bộ Công Thương đã cấp phép cho 121 dự án với công suất đăng ký hơn 10.000MW, vượt xa so với công suất dự kiến trong sơ đồ điện VII sửa đổi; và hiện vẫn còn khoảng 220 dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch. “Điều này cho thấy, cơ chế, chính sách phù hợp và thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam khai thác tốt tiềm năng, cơ hội, đóng góp cho phát triển năng lượng bền vững”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Phát triển năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng
Bên cạnh đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn này, từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng suất xuất vào năm 2020 và 6% vào năm 2030. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng, để thúc đẩy phát triển NLTT, cần phân tích, tính toán đưa ra lộ trình nhằm khai thác hiệu quả các dự án theo từng giai đoạn của đất nước.
Ngoài ra, việc phát triển thêm các nguồn năng lượng sạch bên cạnh nguồn điện sinh khối sẽ giúp đáp ứng nhu cầu điện cho kinh tế tăng trưởng 6,5 – 7,5% mỗi năm.
Cần có cơ chế khuyến khích
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dự kiến, đến năm 2020, thủy điện đã cạn công suất, chỉ còn tỷ trọng 33 – 35%; nhiệt điện than vẫn trong bối cảnh chưa gia tăng được so với các nguồn điện khác, nên vẫn có tỷ trọng cao 41 – 43%; điện khí sẽ tăng lên duy trì ở mức 17 – 18%; điện tái tạo và điện nhập khẩu sẽ duy trì trên 10%. “Để đạt được con số này, chúng ta phải có cơ chế, chính sách đủ điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng đồng thời cũng bảo đảm nguyên tắc xây dựng thị trường điện cạnh tranh và nguyên tắc thị trường trong nền kinh tế. Chính vì vậy, đi kèm với biện pháp đổi mới cơ chế, chính sách, điều kiện để gia tăng các hoạt động đầu tư và thông qua hình thức đầu tư mới cũng như cơ chế ưu đãi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phải tính đến yếu tố bền vững của xã hội và nền kinh tế” – Bộ trưởng lưu ý.
Đối với điện mặt trời, điện gió và điện tái tạo, công nghệ thế giới phát triển nhanh, giúp gia tăng tỷ lệ điện mặt trời trong cơ cấu điện quốc gia. Tuy nhiên, dù mong muốn đẩy nhanh phát triển NLTT, nhưng khi xem xét các dự án, cần bảo đảm sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện và hiệu quả đầu tư chung toàn xã hội.
Để tiếp tục khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực NLTT, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất NLTT và các hộ tiêu thụ lớn có mong muốn dùng điện từ nguồn NLTT; thí điểm cơ chế đấu giá điện mặt trời và tiến tới áp dụng cơ chế này cho các nguồn điện NLTT khác…
Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện các chính sách, các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế phát triển điện mặt trời, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Nguồn: Báo Công Thương