Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Những người “Thắp đèn” giữa biển Những người “Thắp đèn” giữa biển
Nangluong.news – Đến Trường Sa mùa này, chúng tôi may mắn có mặt tại ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây. Đây là ngọn... Những người “Thắp đèn” giữa biển

Nangluong.news – Đến Trường Sa mùa này, chúng tôi may mắn có mặt tại ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây. Đây là ngọn hải đăng cỡ lớn đầu tiên được xây dựng tại Trường Sa. Đã đi qua 23 mùa biển động, ngọn hải đăng cao 36m này vẫn sừng sững như “mắt thần” giữa biển Đông.

Hải đăng Song Tử Tây về đêm

Hải đăng Song Tử Tây về đêm

Nếu như 8 ngọn hải đăng khác ở Trường Sa nằm ngoài bờ kè thì hải đăng Song Tử Tây lại nằm sâu trong đảo. Đây cũng là ngọn hải đăng duy nhất ở quần đảo Trường Sa có đèn cấp 1, ánh sáng trắng, chớp đơn chu kỳ 15 giây có độ chiếu xa 22 hải lý. Anh Trần Văn Chiến (44 tuổi) đã có 20 năm gắn bó với nhiều trạm hải đăng ở Trường Sa.

Riêng trạm hải đăng Song Tử Tây, anh đã có 3 lần công tác và 10 năm gắn bó. Hiện anh đang giữ chức vụ trạm trưởng tại đây. Anh Chiến vẫn còn nhớ như in những lần có bão lớn đi qua làm vỡ kính, sét đánh cháy đèn, cháy luôn bộ bình ắc quy nhưng toàn trạm, thợ điện, thợ máy vẫn kiên cường trong mưa bão để thay thế thiết bị dự phòng, khắc phục sự cố. Bởi các anh hiểu rằng “chỉ một phút hải đăng không thắp sáng sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn khi di chuyển của nhiều tàu, thuyền; đe dọa đến tính mạng và tài sản của bà con ngư dân trên biển”. Để hải đăng không bao giờ tắt, những người thợ đèn phải làm việc 24/24 giờ, kiểm tra kỹ nguồn năng lượng cung cấp cho đèn, các nguồn thiết bị và máy móc kỹ thuật khác đảm bảo chất lượng ánh sáng, độ chiếu xa và chớp của đèn.

Nguồn năng lượng chính để hải đăng chiếu sáng được lấy từ gần 40 tấm pin năng lượng mặt trời. Và không chỉ vào mùa mưa bão, năng lượng điện còn được anh em nhà đèn tích lũy vào ắc quy mỗi ngày để tránh các tình huống bất ngờ về thời tiết xảy ra nhằm đảm bảo cho đèn hoạt động thông suốt. Anh Chiến cho biết thêm: “Anh em nhà đèn luôn tuân thủ nghiêm ngặt thời gian biểu trong ngày như sáng dậy tập thể dục, tắt đèn và thực hiện các công tác lau chùi đèn; tối phân ca trực, bật đèn và trực đến sáng”. Tận mắt chứng kiến chàng trai quê lúa Thái Bình, Nguyễn Văn Định (22 tuổi) – thành viên trẻ nhất trong 5 thành viên làm việc tại nhà đèn đang làm nhiệm vụ lau đèn mới hiểu công việc tưởng chừng như đơn giản ấy lại không dễ dàng chút nào. Những chiếc giẻ lau phải được lựa chọn chất liệu, đảm bảo độ sạch.

Không chỉ lau ở trong mà còn lau cả những vòng kính ở ngoài. Ở độ cao 36m so với mực nước biển, gió biển Trường Sa thì như gầm gào; giữa cái nắng cháy da và gió rát mặt, những người thợ leo lên đỉnh cao cột đèn bảo dưỡng chỉ cần sơ suất là xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Công việc ấy mất hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để hải đăng đủ độ sáng, bóng. Trong điều kiện khí hậu ẩm ướt, độ muối cao, những ngọn đèn biển nếu không được lau chùi thường xuyên sẽ bị gỉ sét, dễ chập, cháy. Định nói, “công việc của lính nhà đèn chẳng biết bắt đầu từ lúc nào và chẳng biết khi nào kết thúc. Bởi nó xứ xoay vòng tròn liên tục: từ 0 giờ đến 4 giờ sáng phải kiểm tra tầm hiệu lực ánh sáng, theo dõi sự hoạt động của các thiết bị đèn.

Từ 4 giờ sáng đến 10 giờ trưa phải theo dõi sự hoạt động của các thiết bị, chạy máy và phát thông tin liên lạc, vệ sinh đèn chính đèn phụ nhà pha, pin năng lượng mặt trời và khu vực trạm. Từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối lại tiếp tục chạy máy và phát thông tin liên lạc, kiểm tra đặc tính ánh sáng, vệ sinh ắc quy. Và buổi tối, anh em lại tiếp tục chuẩn bị máy móc, chạy máy phát điện, nạp ắc quy, theo dõi sự hoạt động của các thiết bị. Để hải đăng bật lúc 6h chiều và tắt lúc 6h sáng là hàng ngàn công việc tẩn mẩn, tỉ mỉ không tên khác. Ở bất cứ thời điểm nào, người lính nhà đèn cũng phải quan sát khu vực hàng hải và ghi nhật ký”. Sau khi lau đèn, kính, lần lượt 40 tấm pin năng lượng mặt trời cũng được lau sạch, kiểm tra mấu điện và sự hoạt động của pin để đảm bảo lượng điện mỗi ngày.

Lau chùi pin năng lượng mặt trời

Lau chùi pin năng lượng mặt trời

Chia sẻ thêm về cuộc sống của người “gác đèn”, anh Đỗ Trường Xuân người có hơn 20 năm công tác tại các ngọn hải đăng ở Trường Sa, nói: “Mỗi năm chỉ có 7 lần tàu tiếp tế nhưng nếu có sóng cấp 6 trở lên, tàu sẽ không đi được nên lính nhà đèn cũng như lính hải quân ở đảo phải sáng tạo mọi thứ để tự đảm bảo cuộc sống, nhất là vào mùa biển động triền miên”. Có lẽ bởi thế mà dưới chân ngọn hải đăng Song Tử Tây sừng sững ấy, gà vịt vẫn nhởn nhơ kiếm thức ăn, bụi chuối, cây chanh, vườn rau xanh của anh em nhà đèn vẫn tươi tốt. Anh Xuân khẳng định: “Dù khó khăn đến mấy nhưng cứ nghĩ rằng nếu hải đăng không sáng đèn, tàu thuyền ngư dân sẽ đi về đâu giữa biển đêm thăm thẳm? Người gác đèn bỏ trạm cũng như người lính rời vị trí chiến đấu nên dù khó khăn đến mấy, anh em nhà đèn chúng tớ cũng cố gắng vượt mọi gian khổ để làm việc. Hơn nữa, ngọn hải đăng còn là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ nên dù thế nào đi nữa hải đăng vẫn phải sáng đèn”. Làm việc ở Trường Sa, những người “gác đèn” cũng như chiến sỹ, luôn coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương” cùng chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi thế, ngoài công tác “gác đèn”, những người làm việc ở hải đăng cũng tham gia các hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Họ là thành viên của Đội Dân quân tự vệ biển.

Có lẽ chính suy nghĩ và sự hy sinh thầm lặng ấy của những người “gác đèn” mà những con “mắt thần” luôn sáng ở Trường Sa. Công việc hàng ngày của các anh đang giúp cho ngư dân – những cột mốc chủ quyền sống, yên tâm vươn khơi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

Trường Sa hiện có 9 ngọn hải đăng tại các đảo Đá Tây, Đá Lát, Song Tử Tây, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn và Nam Yết, thuộc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Bộ GTVT. Việc xây dựng những hải đăng này tuân theo luật pháp quốc tế, là trách nhiệm của quốc gia có biển, được Cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế. Hải đăng không chỉ góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam, những ngọn hải đăng ở Trường Sa còn giúp chỉ đường, dẫn lối cho tàu thuyền quốc tế qua lại khu vực an toàn.

 

Nguồn: www.dantocmiennui.vn Ngọc Ngà (Báo Lâm Đồng)