Khuyến khích đầu tư và bán điện mặt trời
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoPin Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng mười hai 24, 2018 Năng Lượng News
Chính phủ trong tuần này sẽ ban hành quyết định mới về điện mặt trời lắp mái.
Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong tuần này, Chính phủ có thể sẽ ban hành quyết định mới, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Hoàng Quốc Vượng, cho biết.
Việc Chính phủ điều chỉnh Quyết định 11, Thứ trưởng Vượng tin rằng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư lắp đặt điện mặt trời lắp mái và bán điện lên lưới. Ông cho đây là “cách làm tốt” góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay.
Trên thực tế, việc triển khai các dự án điện mặt trời đang gặp một số vướng mắc về quy trình đấu nối; mâu thuẫn với quy định về thuế trong việc bán lại sản lượng điện dư của các dự án điện mặt trời áp mái; các chứng nhận về inverter…
Quyết định số 11 quy định các dự án điện mặt trời lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công tơ hai chiều.
Theo đó, trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án này lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp.
Kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.
Ủng hộ chủ trương này, TP.HCM đã thu hút được 284 khách hàng điện mặt trời lắp mái nối lưới đăng ký bán lại phần điện dư cho Tổng công ty Điện lực TP.HCM, với tổng công suất là 3.64 kWp.
Thế nhưng, đến nay, tổng công ty này vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế giá trị gia tăng và phát hành hóa đơn cho khách hàng theo quy định của Bộ Tài chính.
Hiện nay, một chương trình phát triển điện mặt trời lắp mái của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang nằm chờ quyết định mới để triển khai. Phó Tổng giám đốc EVN, ông Võ Quang Lâm, cho biết: “Chúng tôi sẽ mở một chiến dịch vận động người dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp, mái nhà dân và trang trại”.
Ông Lâm dẫn tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu áp dụng điện mặt trời lắp mái tại khu vực TP.HCM, có thể mang lại sản lượng 6.000 MW. Năng suất phát điện mặt trời khu vực này đạt khoảng 1.350-1.450 kWh/năm.
Theo ông Lâm, EVN đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, góp phần giảm áp lực cho hệ thống lưới điện. Tổng điện năng các đơn vị thuộc EVN thu được bằng hình thức này, kể từ tháng 4 đến cuối tháng 7.2018, đạt khoảng 1,1 triệu kWh.
“Tổng công suất mặt trời lắp mái các tòa nhà thuộc EVN ước tính đạt khoảng 2MW”, ông Lâm cho biết. Theo ông, lắp đặt điện mặt trời áp mái đang được EVN thực hiện tại các đơn vị ở phía Nam, còn tại các tỉnh phía Bắc, do lượng mặt trời ở mức thấp, sẽ cân đối để áp dụng phương thức này.
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư