Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Starbucks, thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới luôn xem việc bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu hàng đầu... Hành trình độc đáo của Starbucks

Starbucks, thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới luôn xem việc bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu hàng đầu vì quan niệm “Trái đất là đối tác quan trọng nhất”.

Từ chiến lược đến cách làm chi tiết, gã khổng lồ này luôn chứng tỏ hành động và lời nói phải luôn đồng nhất.

Cửa hàng xanh

Đầu những năm 2000, Starbucks gia nhập USGBC (Hội đồng Xây dựng xanh Mỹ), cùng hợp tác để phát triển tiêu chuẩn LEED (Lãnh đạo trong thiết kế năng lượng và môi trường) cho hệ thống cửa hàng bán lẻ nói chung ở Mỹ. Năm 2005, cửa hàng đầu tiên của Starbucks được chứng nhận LEED mở tại Hillsboro (Oregon, Mỹ). Đến năm 2008, công ty này đặt mục tiêu đạt chứng nhận LEED cho mọi cửa hàng mới của mình.

Starbucks cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các cửa hàng. Ảnh: Getty Images

10 năm sau, trong khoảng 28.000 cửa hàng trên toàn thế giới, Starbucks có hơn 1.500 cửa hàng nhận được chứng nhận LEED, nhiều hơn bất kì nhà bán lẻ nào trên thế giới.

Trong năm 2018, Starbucks thông báo sẽ xây dựng “cửa hàng xanh”, thiết kế theo tiêu chuẩn riêng, hợp tác với SCS Global Services và World Wildlife Fund. Những cửa hàng này tiết kiệm nước, tránh lãng phí điện so với cửa hàng kiểu cũ, sử dụng 100% năng lượng tái tạo, mang đến trải nghiệm thoải mái cho khách hàng về ánh sáng, tiếng ồn, chất lượng không khí và nhiệt độ. Công ty đặt mục tiêu 10.000 “cửa hàng xanh” vào năm 2025.

Năng lượng xanh

Starbucks lần đầu tiên tiến hành kiểm kê khí thải nhà kính vào năm 2004. Phân tích chỉ ra 70% lượng khí thải đến từ việc mua điện cho các cửa hàng. Sang năm sau, Starbucks bắt đầu tăng các đơn hàng mua năng lượng tái tạo nhằm hướng tới mục tiêu 100% sử dụng năng lượng tái tạo.

Một thập niên sau, thông qua tư cách thành viên câu lạc bộ RE100 (một sáng kiến toàn cầu, có sự tham gia của các công ty có ảnh hưởng, cam kết việc sử dụng 100% năng lượng điện tái tạo), Starbucks chính thức cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các cửa hàng, văn phòng và tòa nhà của hãng.

Năm 2018, Starbucks đầu tư trực tiếp vào năng lượng gió và mặt trời. Ở Bắc Carolina, một trang trại năng lượng mặt trời rộng 140.000 mẫu đủ để cung cấp năng lượng sạch cho việc tiêu thụ của 600 cửa hàng Starbucks ở bang này và các bang lân cận.

Bên cạnh đó, khoảng 340 cửa hàng của Starbucks tại bang Illinois (Mỹ) cũng sử dụng 100% năng lượng gió, do công ty năng lượng Constellation cung cấp. Kể từ năm 2015 đến cuối năm ngoái, Starbucks cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho hơn 9.000 cửa hàng tại Mỹ và Canada. Starbucks còn là một trong những khách hàng lớn về năng lượng tái tạo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

Tái chế rác thải

Từ nhiều năm qua, Starbucks đã đưa ra nhiều sáng kiến giảm thiểu tác động tới môi trường của các loại ly dùng một lần. Năm 1997, Starbucks phát triển loại bao bọc ngoài ly được tái chế nhằm bảo vệ khách hàng khỏi đồ uống nóng và tránh lãng phí khi “dùng hai ly” (do khách hàng làm rơi ly vì nóng và lấy thêm ly).

Vào năm 2006, Starbucks tung ra thị trường loại ly đựng đồ uống nóng đầu tiên trong ngành với 10% sợi tái chế đã qua sử dụng. Hai năm sau, Starbucks ra mắt loại ly nhựa mới ít tác động đến môi trường hơn so với trước đây.

Tại cuộc họp cổ đông hồi tháng 3/2019, Starbucks cho biết sẽ dùng thử nghiệm hai loại ly tái chế và ly có thể phân hủy, làm bằng sợi, giấy hoặc các vật liệu khác để thay thế loại ly năm 2006, bắt đầu từ năm 2020.

Quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm

Starbucks hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Quốc tế để hỗ trợ xây dựng các nguyên tắc mua hàng nhằm giải quyết việc thu mua cà phê có đạo đức. Hiểu nôm na, đó là loại cà phê có chất lượng cao, minh bạch về giá cả, nơi sản xuất cũng như đảm bảo về môi trường và quyền lợi người nông dân.

Bên cạnh đó, Starbucks làm việc với nông dân để cải thiện chất lượng cà phê và cuộc sống. Chẳng hạn, Starbucks xây dựng các trung tâm hỗ trợ nông dân trên khắp Costa Rica và Rwanda giúp nông dân địa phương giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng cà phê.

Cách tiếp cận với cacao của Starbucks cũng tương tự như cà phê. Hãng xây dựng bộ nguyên tắc dành cho cacao nhằm đảm bảo loại cây này được trồng theo cách có lợi cho con người và môi trường. Theo đó, Starbucks hợp tác với Quỹ Bill và Melinda Gates cùng Quỹ ca cacao thế giới hỗ trợ Chương trình sinh kế cacao trên khắp Tây Phi.

Là thành viên Hiệp hội trà đạo đức, Starbucks hợp tác với những nhà thu mua khác để cải thiện các điều kiện trong toàn ngành trà. Các thành phần trong trà Tazo, sản phẩm thuộc Starbucks, được thu mua thông qua dự án CHAI – một dự án hỗ trợ tăng tính bền vững trong cộng đồng trà bằng cách cung cấp dịch vụ y tế và phát triển kinh tế.

Cuộc chiến” tái chế ly

Đây là vấn đề đau đầu của Starbucks. Năm 2008, Starbucks đặt mục tiêu phục vụ 25% khách bằng ly tái chế. Tuy nhiên sau đó, đại diện công ty phải thừa nhận việc tái chế “thoạt nhìn là một ý kiến hay” nhưng “khi thực hiện thì khá khó khăn”.

Sáng kiến đầu tiên của Starbucks với chiếc bao bọc ngoài ly cà phê. Ảnh: TL

Nguyên nhân một phần là do miệng ly Starbucks thường có viền bằng nhựa để chống tràn. Loại bỏ các viền nhựa này là việc cần làm để có thể nghiền ly thành giấy tái chế. Tuy nhiên, để chế tạo máy móc xử lí riêng thì lại tốn kém và phức tạp.

Vào năm 2017, một nhóm bảo vệ môi trường có tên Stand.earth có hành động phản đối ngay tại trụ sở chính của Starbucks. Nhóm này xây dựng bức tường bằng 8.000 chiếc ly Starbucks và một “quái vật ly” ghép từ 1.000 chiếc ly để phản đối lượng ly khổng lồ mà công ty đã sử dụng.

Cựu CEO của Starbucks là Howard Schultz từng gọi vấn đề về ly là “một trong những vấn đề dai dẳng nhất từng gặp phải”.

Starbucks đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh về ly từ năm 2009 đến 2011, nhờ các chuyên gia từ MIT và các nơi khác giúp công ty thiết kế loại ly có thể tái chế hoàn toàn. Tuy nhiên, không ai đưa ra được giải pháp toàn diện.

Đến năm 2018, Starbucks cùng hãng thức ăn nhanh McDonald’s và Closed Loop Partners tổ chức cuộc thi tìm ra các giải pháp về ly bền vững. Trong 500 thí sinh từ khắp thế giới, 12 người chiến thắng, sau đó chọn tiếp còn 6 người tham gia vào chương trình tăng tốc kinh doanh để thử nghiệm các giải pháp về ly.

Rebecca Zimmer, Giám đốc môi trường toàn cầu của Starbucks cho biết công ty vẫn “chưa thể hài lòng vì vị trí của chiếc ly ngày nay” vì không thể được tái chế rộng rãi.

Tuy nhiên, bà Zimmer cũng nói rằng: “Chúng tôi luôn hiểu rằng Trái Đất là đối tác quan trọng nhất và đây là một trọng tâm rất lớn đối với Starbucks. Chúng tôi sẽ không né tránh thử thách này”.

Đã hơn một thập kỉ khi Starbucks nói về việc sử dụng 100% ly tái chế, chiếc ly vẫn là vấn đề đau đầu trong mục tiêu vì môi trường của thương hiệu cà phê này.

Nguồn: Thegioitiepthi.vn