Điện về bản người Mông
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười 13, 2017 Năng Lượng News
Những ngày đầu tháng 10, khi tiết trời vùng cao bắt đầu chuyển lạnh, chúng tôi có dịp theo chân nhóm từ thiện Cánh Én đi lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời tại các điểm trường học heo hút của tỉnh Lào Cai. Cái lạnh giá vùng núi cao đã phần nào bị xua đi bởi những “hạt nắng” tình người. Nhờ có điện năng lượng mặt trời, những khó khăn của đồng bào dân tộc Mông và các thầy, cô giáo cắm bản phần nào vợi bớt…
Gập ghềnh đường đến bản
Sàng Ma Sáo là một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, khí hậu luôn khắc nghiệt. Về mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, còn mùa khô thì nắng rát và hạn hán kéo dài. Mùa đông ở vùng này thường khắc nghiệt, kéo dài, nhiệt độ có thể xuống dưới 6 độ C. Sàng Ma Sáo, theo tiếng Mông, nghĩa là dãy núi Mào Gà.
Để đến với các bản Trà Phà, Nhìu Cồ San, Sinh Cơ, Tung Quan Lìn, Mà Mù Sử 2, Sàng Ma Sáo, Nậm Pẻn 1, Nậm Pẻn 2, Ki Quan San… những điểm xa nhất thuộc xã vùng cao Sàng Ma Sáo, phải vượt qua nhiều con dốc dựng đứng. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đường sá đi lại khó khăn, địa hình rừng núi hiểm trở, nên cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Hiện nay, 10 điểm trường tiểu học và 9 điểm trường mầm non ở các bản đều chưa có điện. Ánh sáng duy nhất ở đây mỗi khi trời đêm buông xuống là từ ngọn nến hoặc đèn dầu. Gắn bó với người dân vùng cao nơi đây là gần 50 giáo viên cắm bản hết sức tận tâm. Để gieo con chữ nơi vùng sâu, những giáo viên tận tụy với nghề vẫn hằng đêm soạn giáo án bằng ánh sáng yếu ớt của đèn dầu, nến…
Cô giáo Nguyễn Thị Pết ở điểm Trường Mầm non Tung Quan Lìn chia sẻ, điểm trường được dựng tạm bằng các tấm ván gỗ kết cùng tranh tre, nứa lá. Vào mùa khô thì không sao, nhưng mùa mưa gặp gió lớn thì tốc mái, mùa đông khi gió lạnh lùa về thì phải nhờ cậy dân bản gia cố bằng các tấm bạt để hạn chế gió lạnh. Khổ nhất là mọi sinh hoạt nơi đây đều phải tự cung tự cấp, do đường sá khó khăn, biệt lập với trung tâm xã. Còn nước ngọt, phải gánh về từ suối cách trường khoảng 2-3km. Trước đây, một vài thầy cô không vượt qua được cuộc sống khó khăn, vất vả đã xin chuyển đi nơi khác, thậm chí có người còn bỏ nghề…
Nhưng, cũng theo cô Pết, vì tình cảm với bà con, vì tình yêu thương những đứa trẻ, mong muốn chúng khôn lớn và trưởng thành để có đóng góp cho quê hương, các thầy cô giáo luôn động viên nhau vượt qua khó khăn. Cô Lục Thị Hoa, là giáo viên mầm non cắm bản ở Nậm Pẻn 1, tâm sự: “Nhiều khi cũng mệt lắm, nhưng nhìn đôi mắt những đứa trẻ trong veo, thêm nữa là sự tận tình, chu đáo của người dân nơi đây nên chúng em tự nhủ cố gắng vượt qua. Nếu bỏ cuộc thì học sinh biết dựa vào ai? Các thầy, cô giáo phải giữ vững tinh thần chính mình trước tiên nếu muốn mang đến cho học sinh một môi trường giáo dục tốt nhất…”.
Khi được hỏi, điều mong muốn nhất là gì, không ngần ngại, cô Hoa chia sẻ: “Muốn có điện các anh chị ạ!”. Ở Nậm Pẻn 1 và Ki Quan San là 2 bản gần với trung tâm xã nhất khi chỉ cách điểm trường chính 6km. Còn với các bản xa xôi hơn như Trà Phà, Nhìu Cồ San, Tung Quan Lìn thì thật khó để đưa điện về…
Những tấm lòng thơm thảo
Đồng hành cùng nhóm từ thiện Cánh Én về với bản người Mông Sàng Ma Sáo còn có các kỹ sư lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời của nhóm xã hội Kiến trúc xanh 1516. Nhìn cách mà những kỹ sư trẻ cẩn thận lắp đặt thiết bị và kiểm tra từng chi tiết rồi tận tình hướng dẫn các thầy cô giáo cách thức sử dụng và bảo quản, mới thấy hết tình cảm của họ với người dân vùng cao sâu đậm đến nhường nào.
Anh Lê Vũ Cường, Trưởng nhóm Kiến trúc xanh 1516 bộc bạch: “Những ngày đầu tiên đến với bản sợ lắm! Đường xa, phải vượt qua nhiều con suối, dốc cao đầy đất đá. Khổ nhất là những bản trên cao như Trà Phà, Nhìu Cồ San lúc nào cũng sương mù bao phủ, thời tiết như trời mưa, đi không cẩn thận là bị trượt chân. Đường đi khó khăn, hiểm trở là vậy nhưng các thầy, cô giáo cắm bản đều vượt qua được để mang cái chữ đến vùng cao, vậy tại sao mình không làm được.
Thế là tất cả anh em trong nhóm bảo nhau cùng cố gắng”. Anh Cường cũng kể về một kỷ niệm không thể nào quên: “Khi bóng đèn điện sáng lên, thành quả ấy khiến cả cô và trò cùng người dân bản ôm nhau nhảy múa. Mừng lắm! Vậy là giờ đây, thầy cô điểm trường Sàng Ma Sáo đã có thể soạn giáo án dưới ánh điện sáng”. Cô Hoa tâm sự, có nằm trong mơ cũng không nghĩ đến có ngày điện về với mảnh đất này nhanh đến thế. Giờ đây, không chỉ các cô giáo yên tâm soạn bài cho các em học sinh mà ánh điện cũng sẽ giúp đời sống người dân thay đổi.
Các em nhỏ sẽ được tiếp cận thêm những kiến thức có được từ công nghệ thông tin, tìm hiểu được nhiều nền văn hóa thế giới qua các phương tiện truyền thông, internet… Tiếp lời người đồng nghiệp, cô Pết nói: “Sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đối với vùng đất này càng khiến cho chúng tôi, những giáo viên vùng sâu, vùng xa thêm vững tin, yêu nghề và quyết tâm bám trường, bám bản để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Việc làm ý nghĩa kể trên là một phần kết quả trong chương trình từ thiện “Cánh Én chở ước mơ” do Quỹ Từ thiện Cánh Én (Công ty TNHH Thời trang Xuất khẩu CAESA) tài trợ và thực hiện với mong muốn phần nào giúp đỡ thầy, cô giáo và các em học sinh ở Sàng Ma Sáo khắc phục khó khăn trong cuộc sống để dạy tốt, học tốt hơn.
Anh Khả Anh, đại diện Quỹ Từ thiện Cánh Én trải lòng: “Chia tay các thầy, cô giáo – những người vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám trường, chúng tôi cũng thấy ấm lòng, dẫu biết rằng, những tháng ngày phía trước vẫn còn vô vàn khó khăn, thách thức… Từ trong tâm mình, chúng tôi xin dành tặng món quà nhỏ này đến các thầy cô giáo và hy vọng sẽ góp phần tiếp thêm động lực cho họ vượt lên hoàn cảnh để gieo con chữ cho học sinh vùng cao, giảm bớt khó khăn trong quá trình dạy và học của thầy trò vùng đất còn khó khăn này”.
Nguồn hanoimoi.com.vn