Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Đề xuất “đưa điện mặt trời lên mái nhà thành một tiêu chí trong quy hoạch đô thị” của TS Trần Duy Châu, chuyên... Điện sạch từ mái nhà

Đề xuất “đưa điện mặt trời lên mái nhà thành một tiêu chí trong quy hoạch đô thị” của TS Trần Duy Châu, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thuộc Tập đoàn điện lực EDF (Pháp) là điều hết sức cần thiết và nên được triển khai sớm để giảm áp lực về điện trong bối cảnh hiện nay.

Ảnh minh họa

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Cụ thể, Tập đoàn điện lực VN (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá điện tại thời điểm giao nhận, tương đương 9,35 cent/kWh.

Cơ chế này đã tháo gỡ nút thắt trong “tâm tư” của nhiều người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhưng thừa điện thì không bán được cho nhà điện. Tuy nhiên, khuyến khích thôi chưa đủ, để các mái nhà đều có thể sản xuất điện mặt trời, cần đưa vấn đề này thành tiêu chí. Đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi có nhiều dự án, cao ốc, công trình, nhà cửa rất thuận lợi cho việc lắp đặt. Đơn cử như TP.HCM, theo thống kê có khoảng 300.000 mái nhà có thể lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời.

Nếu mỗi mái nhà lắp đặt 2 tấm, tổng công suất của toàn TP là 78 MW, tương đương 105 triệu kWh/năm, bằng công suất của Nhà máy điện Cần Đơn, Bình Phước…
Dẫn ra để thấy, không đưa điện mặt trời lên mái nhà là một sự lãng phí lớn. Chưa kể, trong những nguồn năng lượng tái tạo ở VN thì điện mặt trời lắp trên mái nhà là phương án có tính khả thi cao nhất vì dễ thực hiện; diện tích lớn nhỏ đều có thể lắp đặt được và cũng không cần phải thay đổi cơ sở hạ tầng lưới điện.

Quan trọng hơn, việc đưa điện mặt trời thành tiêu chí trong quy hoạch đô thị thời điểm này càng trở nên cấp thiết khi đầu tư vào nhiệt điện than đang tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay, đẩy chúng ta đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao.

Theo tính toán của EVN, chỉ cần 10% trong tổng số hơn 24 triệu hộ khách hàng của tập đoàn này sản xuất điện mặt trời, chúng ta sẽ có thêm gần 5.000 MW, bằng 3 – 4 nhà máy nhiệt điện than lớn.

Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết những vướng mắc để phát triển, nhân rộng điện mặt trời đều đã được tháo gỡ. Điện mặt trời đã có giá, suất đầu tư cũng rẻ hơn, VN cũng có lợi thế để phát triển loại năng lượng sạch này… Nếu chúng ta đưa thành tiêu chí cộng thêm các cơ chế ưu đãi, khuyến khích hợp lý, thủ tục thuận lợi thì không khó để “mỗi mái nhà đều sản xuất điện mặt trời”.

Nguồn thanhnien.vn