COP21 liệu có đạt được kỳ vọng?
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười một 27, 2015 News Energy
Nangluong.news – Chưa đầy một tuần nữa Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc lần thứ 21 về Biến đổi khí hậu (COP-21) sẽ diễn ra tại thủ đô Paris của nước Pháp, nơi 195 quốc gia thảo luận các biện pháp để duy trì nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 chỉ tăng tối đa 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Liên hợp quốc kỳ vọng COP21 sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận quốc tế mới thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Nếu các nước đi đến được thỏa thuận cuối cùng, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm đàm phán về chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế đạt được một hiệp ước toàn diện mang tính ràng buộc về pháp lý với sự tham gia của tất cả các quốc gia, phát triển và đang phát triển.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khí hậu hiện vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả từ những cam kết của các quốc gia. Họ e ngại rằng những thỏa thuận nhiều khi chỉ mang tính ngoại giao thay vì những giải pháp thực sự cho khí hậu. Dù rằng, tất cả các quốc gia đều thừa nhận tính cấp thiết và khốc liệu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song trên bàn đàm phán quốc tế, vấn đề này từng không ít lần bị chính trị hóa thành cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nhóm nước.
Để chuẩn bị cho COP21, các chính phủ được yêu cầu phải soạn thảo và công bố Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) trong đó đưa ra cam kết về lượng khí thải cắt giảm từ 2020 đến 2030. Các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Nga đều đã đệ trình Báo cáo INDC. Không giống như Nghị định thư Kyoto 1997 chỉ đặt mục tiêu cho các nước công nghiệp, năm nay tất cả các nước đều phải đưa ra cam kết đóng góp của mình.
Các Báo cáo INDC thể hiện tham vọng của các quốc gia, tuy nhiên, phân tích cho thấy những cam kết này là chưa đủ để hoàn thành mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất tăng dưới 2°C vào cuối thế kỷ 21 như mục tiêu các quốc gia đã đặt ra ở COP15 tại Copenhagen năm 2009.
“Rõ ràng là nếu cuộc họp tại Paris chỉ dừng lại ở các cam kết khí hậu từ nay tới năm 2030, thì việc duy trì nhiệt độ trái đất tăng dưới 2°C là không thể thực hiện. Thực tế cho thấy nóng lên toàn cầu đang có xu hướng tăng ít nhất là 3 độ C” – Ông Bill Hare, cố vấn Viện Phân tích Khí hậu (Climate Analytics) phát biểu tại cuộc đàm phán sơ bộ trước thềm COP21 diễn ra ở Bonn, Đức hồi tháng 9.
Các quốc gia xem cuộc đàm phán kéo dài 5 ngày ở Bonn vừa qua như một hội nghị trù bị hướng tới một văn kiện hoặc một quyết định cho COP21. Nhưng thực tế, cuộc đàm phán ở Bonn đã không đáp ứng được mong đợi khi nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề phân bổ tài chính, đóng góp và tài trợ giữa các nước, chủ yếu giữa nước phát triển và đang phát triển, nước giàu và nước nghèo. Sau cuộc đàm phán ở Bonn, nhiều đại biểu lo ngại những gì diễn ra tại Copenhagen sáu năm trước sẽ lặp lại, khi các đàm phán rơi vào khủng hoảng bất chấp nỗ lực của nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, COP21 có nhiều khả năng đạt được thỏa thuận hơn khi mà lần đầu tiên hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ có sự đồng thuận trong nhiều vấn đề.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có 149 quốc gia chính thức công bố Báo cáo INDC. Các cam kết khá đa dạng. Một số đưa ra mục tiêu rõ ràng như sẽ cắt giảm hàng tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm đến năm 2030; số khác thì hứa chỉ duy trì mức phát thải như hiện tại hoặc hứa sẽ cắt giảm lượng khí thải đối với mỗi dollar đầu tư vào hoạt động kinh tế.
Theo thỏa thuận lịch sử vào mùa thu năm ngoái ở Washington giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc cam kết lượng khí thải của nước này, vốn tăng mạnh qua vài thập kỷ qua, sẽ giữ mức kỷ lục vào năm 2030. Trung Quốc cũng hứa sẽ giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng độ che phủ rừng để hấp thụ khí CO2 và giảm lượng khí thải trên một đơn vị GDP tới mức 60-65%. Trong khi đó Hoa Kỳ, nước phát thải lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, cam kết cắt giảm 28% lượng phát thải khí nhà kính trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2025. Đối với Hoa Kỳ, việc thực hiện cam kết này sẽ không khó như tưởng tượng bởi lượng khí phát thải của nước này đã đạt đỉnh vào thập kỷ trước và trong thực tế là đang giảm dần.
Trong Báo cáo INDC đã đệ trình, Tổng thống Obama gia tăng mức cam kết của Mỹ bằng việc công bố kế hoạch nhằm giúp nước này đạt được mức cắt giảm 32% lượng khí thải từ các nhà máy điện vào năm 2030. Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng cho hay việc sử dụng than đốt đã giảm trong năm 2014 và có thể tiếp tục giảm trong một thời gian dài.
Nguồn phát thải lớn thứ ba trên thế giới là khu vực Liên minh châu Âu cũng cam kết cắt giảm giảm 40% lượng phát thải vào năm 2030 – dưới cả mức phát thải năm 1990. Mexico cam kết sẽ chạm mức phát thải cao nhất của mình vào năm 2026 và giảm tới 25% lượng khí phát thải vào năm 2030, hoặc lên đến 40% nếu nhận được các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính. Hàn Quốc cũng cam kết sẽ cắt giảm 37%, còn Nhật Bản sẽ cắt giảm tuyệt đối 26% khí thải so với mức năm 2013. Ethiopia, với một cam kết đầy tham vọng từ một quốc gia nghèo, tới năm 2030 sẽ hạn chế lượng khí thải tương đương về dưới mức năm 2010 bằng việc cắt giảm 64% khí phát thải.
Triển vọng mới và những quan ngại
Sở dĩ các nước mạnh dạn đưa ra cam kết mà không lo ngại tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế là nhờ sự thay đổi trong xu hướng sản xuất năng lượng mới. Thời kỳ đỉnh cao của nhiện liệu than đá kéo dài hàng thập kỷ trên phạm vi toàn cầu sắp chấm dứt. Hiện than đá không chỉ có giá thành cao hơn so với các nguồn năng lượng khác mà còn là nguyên nhân chính gây ra những làn khói đen nghẹt thở.
Năng lượng tái tạo đang trở lên hấp dẫn và mang tính cạnh tranh hơn về mặt kinh tế với nhiều công nghệ giúp tiết kiệm chi phí. Nghiên cứu mới đây củaViện Nghiên cứu Grantham (Trường Kinh tế London) kết luận hầu hết việc cắt giảm lượng khí thải và các tiết giảm cần thiết khác để loại bỏ carbon ra khỏi nền kinh tế toàn cầu và giữ mức tăng nhiệt trong giới hạn 2°C không chỉ đem đến lợi ích khí hậu mà cả lợi ích kinh tế cho quốc gia.
Quan niệm rằng tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ gia tăng phát thải khí nhà kính đang dần thay đổi và thái độ không mấy thiện cảm của các nước khi phải chấp nhận các giới hạn về lượng khí phát thải cũng thay đổi theo. Nhờ vậy, những tranh cãi về chia sẻ gánh nặng, hay đền bù cho phát thải trong đàm phán cũng sẽ giảm đi.
Không một ai có thể chắc chắn rằng những cam kết hiện tại sẽ đủ để duy trì mức nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Bởi lẽ, chính các nhà khoa học cũng không thể xác định được chính xác mức độ nhạy cảm của bầu khí quyển với nồng độ ngày càng tăng của khí nhà kính. Tuy nhiên, khoa học xác định được rằng có một điểm tới hạn mà khi vượt qua mức đó nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên đột ngột.
Hầu hết các nhà phân tích đều đồng tình rằng những biện pháp đã được đưa ra trong các Báo cáo INDC là không đủ. Các phân tích về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia (Climate Action Tracker – CAT) tính toán, nếu đúng theo các cam kết này, khí thải toàn cầu hàng năm sẽ tăng từ khoảng 50 tỷ tấn lên 53-57 tỷ tấn vào năm 2025 và 55-59 tỷ tấn trong vào 2030 trong khi để giữ mức tăng dưới 2 độ C thì lượng khí thải phải năm 2030 phải duy trì ở mức khoảng 40 tấn.
Hội nghị COP sắp tới có thể sẽ đưa ra được các điều khoản giúp đạt được các mục tiêu cao hơn, mạnh mẽ hơn trên cơ sở các bằng chứng khoa học mới. Tuy nhiên, thường thì các nhà ngoại giao mong muốn thỏa thuận ký tại hội nghị sẽ không thay đổi gì nhiều so với các báo cáo INDCs mà quốc gia họ đã đệ trình.
Nhiều khả năng các tranh luận tại COP21 sẽ không phải là vấn đề về lượng khí phát thải mà là khoản tiền các quốc gia nghèo, đang phát triển sẽ được hưởng để thích ứng biến đổi khí hậu và khắc phục những thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra.
Tại COP15 năm 2009, các quốc gia giàu đã nhất trí thành lập Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) để giúp các nước nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải, xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo lộ trình, Quỹ này sẽ tiếp nhận 100 tỷ USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2020. Tuy nhiên, phân tích mới đây của Tổ chức Oxfam cho biết, đến nay, số tiền Quỹ này nhận được chưa tới 1% con số cam kết. Các nước giàu có xu hướng huy động nguồn tài chính tư nhân để bù đắp thay vì chi tiền cho quỹ này. Mặc dù, ý tưởng về quỹ tư nhân bao gồm quỹ tài trợ cho năng lượng tái tạo, quỹ bảo hiểm bảo vệ nông dân nghèo trước những thiệt hại về mùa màng do thiên tai… đều là những biện pháp hữu ích, nhưng có lẽ không phải điều các nước đang phát triển kỳ vọng trong cuộc đàm phán tại Copenhagen.
Các nước châu Phi và nhiều nước có rất ít hoặc không có trách nhiệm trong việc gây ra tình trạng biến đổi khí hậu muốn có một quỹ riêng để khắc phục thiệt hại do các thiên tai gây ra. Đây phải là một khoản bồi thường tương đương khoản bồi thường chiến tranh của thế kỷ 21 cho các tội ác khí hậu.. Ý tưởng này lần đầu được nêu ra một cách nghiêm túc tại COP19 ở Warsaw vào năm 2013. Song, cả Hoa Kỳ và EU đều chống lại quan điểm này. Tuy nhiên, trong hội nghị trù bị diễn ra tại Bonn, thái độ của Hoa Kỳ và EU đã bớt gay gắt hơn, dấy lên hy vọng thỏa thuận này sẽ đạt được tại COP21.
Nước chủ nhà Pháp vẫn lo ngại rằng vấn đề ngân sách sẽ trở thành yếu tố cản trở việc ký kết những thỏa thuận tại COP21 vì một khi các nước không đạt được thỏa thuận, không chỉ thế giới mà cả danh tiếng của nước Pháp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Nguồn: Ly Đặng – Bích Ngọc/MT&ĐS