Cần phát triển năng lượng tái tạo để tăng trưởng bền vững
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng Một 21, 2019 Năng Lượng News
Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cũng khẳng định rằng thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề rất lớn, có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH.
Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
Bên lề Hội thảo chuyên đề về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh năng lượng?
Ông John Kerry: Trên thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực ĐBSCL. Những thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển, hạn hán, tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai sẽ ảnh hưởng đến lượng năng lượng được sản xuất, cung cấp và tiêu thụ.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đòi hỏi năng lượng đủ và rẻ để đảm bảo an ninh năng lượng. Điều này cho thấy nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội to lớn để Việt Nam khai thác năng lượng mới và sạch từ các nguồn khác như thủy điện, gió, mặt trời và khí đốt tự nhiên.
Ví dụ, năng lượng mặt trời có rất nhiều tiềm năng và rẻ hơn than đá. Than đá là một trong những nguồn năng lượng ô nhiễm nhất gây ra nhiều vấn đề cho người dân Việt Nam tại các thành phố và khu vực nông thôn, làm giảm chất lượng không khí, đất, nước, sinh thái hệ thống và hệ thống canh tác nông nghiệp.
Việt Nam đang theo đuổi công nghiệp hóa và hiện đại hóa, có nghĩa là phải xây dựng nhiều nhà máy, tạo ra lượng khí thải khổng lồ, gây ra vấn đề đối với biến đổi khí hậu. Ông có cho rằng xu thế này đang đi ngược với việc đảm bảo an toàn năng lượng?
Ông John Kerry: Theo tôi điều này không hề mâu thuẫn nếu Việt Nam có thể xây dựng một chiến lược chuyển đổi năng lượng toàn diện. Cụ thể, hai tỉnh phía nam là Bình Thuận và Ninh Thuận, nơi có gió tốt và nắng tốt, có thể cung cấp năng lượng truyền thống thông qua năng lượng mặt trời và sức gió.
Những nguồn năng lượng này cùng với khí tự nhiên sẽ tạo ra những nguồn năng lượng thay thế khác để cung cấp nhiên liệu cho đời sống và sản xuất. Công nghiệp vẫn có thể phát triển nếu bạn có một mạng lưới năng lượng được kết nối và thông minh. Ngày nay, kỷ nguyên của máy tính, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cho phép chúng ta tạo ra năng lượng trực tiếp bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào chúng ta cần. Đây là điều mà các quốc gia hiện đại đang làm và tôi nghĩ Việt Nam nên là một trong những nhà tiên phong trong việc này.
Dùng năng lượng tái tạo là mục tiêu chung của mọi quốc gia trong việc theo đuổi phát triển bền vững, Việt Nam có thể học được gì từ các nước trên thế giới?
Ông John Kerry: Mỗi quốc gia sẽ phải tìm nguồn năng lượng của riêng mình vì một số quốc gia không có sông và thủy điện. Nhưng họ có thể quyết định có nên làm cho năng lượng sạch hơn hay không. Than là nhiên liệu gây ô nhiễm nhất trên thế giới, thậm chí ở một số vùng trên thế giới họ đã áp dụng công nghệ mới để tạo ra một sản phẩm mới có tên là than sạch. Thực tế, không có thứ gọi là than sạch. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi không còn xây dựng nhà máy nhiệt điện than, chúng tôi đã đóng cửa chúng. Thay vào đó, chúng tôi đang sử dụng khí đốt tự nhiên, năng lượng mặt trời, gió. Những nhà khoa học tài năng trên thế giới, những người đã nghiên cứu vấn đề này trong 30-40-50 năm, đang nói với chúng tôi rằng chúng ta phải tiến nhanh hơn, đưa ra quyết sách để chuyển sang năng lượng bền vững tái tạo thay thế.
Tại Việt Nam, khu vực ĐBSCL cung cấp lương thực cho hàng chục triệu người. Nhưng bây giờ khu vực này đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm mặn cùng với các vấn đề về nước ngày càng gia tăng. Và chúng tôi đã bắt đầu Sáng kiến hạ lưu sông Mekong để cố gắng ngăn chặn những thiệt hại này. Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần và phải nói thật rằng thành phố lớn của Việt Nam đôi khi có không khí còn tệ hơn cả Bắc Kinh hay New Delhi. Có nhiều người bị phổi bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí kém. Đó không phải là cách để mọi người sống và chúng ta cần đưa ra những lựa chọn tốt hơn về cung cấp năng lượng.
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng chú ý theo đuổi sự phát triển bền vững như cố gắng hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và ưu tiên các dự án năng lượng tái tạo. Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo đã hiểu sâu sắc vấn đề và họ đang cố gắng đi theo định hướng này. Nhưng Việt Nam cũng cần một số trợ giúp từ nguồn tài trợ quốc tế và chúng tôi, cùng với Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các đối tác đang nỗ lực giúp Việt Nam xây dựng một chiến lược chuyển đổi năng lượng toàn diện hơn.
Nguồn: Báo Mới