Cà Mau đẩy mạnh phát triển điện sạch, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng bảy 31, 2020 Năng Lượng News
Tỉnh Cà Mau đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm năng lượng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2045 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đây là mục tiêu được tỉnh Cà Mau đặt ra trong Chương trình hành động của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh số 42-Ctr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm năng lượng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng như kho nổi chứa khí, trạm, đường ống tái khóa khí nhập khẩu – hệ thống FSRu. Song song đó, hoàn thiện hệ thống lưới điện truyền tải, phân phối điện để đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án năng lượng. Mục tiêu đến năm 2045 sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, phát triển một cách bền vững ngành kinh tế công nghiệp năng lượng để trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh Cà Mau cũng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mục tiêu vào năm 2030 sẽ có tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 7% và tăng lên 14% vào năm 2045.
Cà Mau có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển điện gió (Ảnh minh họa internet)
Với địa hình thấp và bằng phẳng, 3 mặt (phía Đông, phía Nam, phía Tây) giáp biển, bờ biển dài 254km, gió biển mạnh khoảng 6,3-7 m/s, ở độ cao từ 80-100m so với mực nước biển, Cà Mau có tiêm năng khai thác năng lượng gió ven biển rất lớn. Phát triển điện mặt trời ở Cà Mau cũng rất thuận lợi với số giờ nắng trung bình 2.000-2.200 giờ/năm. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên ở Cà Mau còn thích hợp với việc xây dựng kho chứa khí nổi nhờ có nhiều hòn đảo với khoảng cách, độ sâu phù hợp. Việc xây dựng các kho chứa khí này sẽ cho phép nhập khẩu, vận chuyển, dự trữ để cung cấp khí cho sản xuất điện và các lĩnh vực khác.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, đến nay, đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG tại tỉnh này với tổng công suất khoảng 12.000 MW, cụ thể:
- Điện gió: 29 dự án đề xuất, tổng công suất 6.050 MW, gồm: 8 dự án (tổng công suất 550 MW) được phê duyệt chủ trương đầu tư; 13 đề án (tổng công suất 4.150 MW) đã trình Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch; 2 đề án (tổng công suất 250 MW) đang hoàn thiện theo góp ý để trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung vào quy hoạch; 6 dự án (tổng công suất 1.100 MW) đang tiếp cận nghiên cứu.
- Điện mặt trời: Tổng công suất dự kiến 1.450 MWp, gồm: 1 dự án 25 MWp trong quy hoạch, đang đề xuất lên 50 MWp; 1 dự án điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản 1.000 MWp đã trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch; 1 dự án điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản (400 MWp) đã xin chủ trương tỉnh.
- Điện khí LNG: Tổng công suất dự kiến 4.500 MW, gồm: 1 dự án 3.000 MW đã trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch; 1 dự án 1.500 MW đã được UBND tỉnh chấp thuận nghiên cứu tiếp cận.
Để khai thác lợi thế tự nhiên và đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Chương trình hành động, tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án năng lượng tái tạo trên, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn tạo ra điện năng; nghiên cứu, đánh giá tiềm năng phát triển các dạng năng lượng tái tạo khác như từ sóng biển, thủy triều, hải lưu.
Nguồn: Tổng hợp
Hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời Hot
Năng Lượng Mặt Trời Th8 22, 2016
Công nghệ năng lượng gió thế hệ mới
Năng Lượng Gió Th6 16, 2018