Thiết bị sấy cầm tay chạy bằng năng lượng mặt trời
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoSản Phẩm Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng mười 9, 2019 Năng Lượng News
Một công ty khởi nghiệp ở Indiana hy vọng sẽ giúp nông dân ở các nước thu nhập thấp bảo quản cây trồng của họ bằng thiết bị sấy cầm tay giá rẻ.
Đi ngang qua quận Sheung Wan của Hồng Kông, bạn vẫn sẽ thấy những chiếc giỏ tre phẳng được đặt ở lề đường giữa những chiếc taxi và những chiếc xe máy giao hàng xả khói mù mịt. Bên trong chiếc giỏ tre là các loại hải sản hoặc rau củ phơi khô được xếp thành hàng — sò điệp, hải sâm, vỏ cam, tất cả đều chuyển sang màu nâu và khô quắt lại dưới ánh mặt trời.
Việc phơi khô thực phẩm trên lề đường có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi trên thế giới. Nông dân và những người bán hàng rong sử dụng sức nóng và độ phẳng của mặt đường để làm khô mọi thứ, từ các loại ngũ cốc như ngô và lúa mì đến hải sản và trái cây. Nhưng phương pháp này khiến thực phẩm dễ bị nấm mốc, ô nhiễm không khí, côn trùng và những yếu tố khác làm nhiễm bẩn. Ước tính, trên thế giới, hơn một phần ba thực phẩm bị thiệt hại do nhiễm bẩn sau thu hoạch.
Klein Ileleji đứng bên một thiết bị mà ông phát triển. Nguồn: trường đại học Purdue
Klein Ileleji, một nhà khoa học nông nghiệp thuộc Đại học Purdue mong muốn làm thay đổi tình trạng này. Ông đã phát triển hai công nghệ sấy khô thực phẩm nhanh chóng và hợp vệ sinh: thứ nhất là Dehytray, khay khử nước trong thực phẩm với màng bảo vệ có khả năng hội tụ năng lượng mặt trời để thời gian khô diễn ra nhanh hơn; thứ hai là Dehymeleon, máy sấy năng lượng mặt trời có thể đựng được mười khay Dehytray, đồng thời có thể dự trữ thêm năng lượng mặt trời để sử dụng làm máy phát điện vào ban đêm.
Ileleji lần đầu tiên nghĩ về việc khử nước trong thực phẩm là vào năm 2010, khi ông đang thực hiện một dự án ở Ghana.
“Lúc ấy chúng tôi thực hiện một cuộc khảo sát về những khó khăn mà người nông dân gặp phải, và chúng tôi nhận thấy, một trong những khó khăn lớn nhất là độc tố vi nấm aflatoxin trong ngũ cốc, nguyên nhân là do ngũ cốc không được sấy khô đúng cách”, ông nói. “Vì sinh ra và lớn lên ở Nigeria, nên tôi biết sấy khô là một công đoạn đầy khó khăn. Do lớn lên trong thành phố nên trong quá trình tìm hiểu, Ghana lại là nơi đầu tiên mà tôi trực tiếp đối diện với khó khăn này.”
Độc tố vi nấm Aflatoxin khiến nấm mốc phát triển trên các loại cây trồng như ngô và đậu phộng, có thể gây tử vong nếu ăn với số lượng lớn. Điều nguy hiểm là tuy liều lượng thấp nhưng việc ăn phải thực phẩm nhiễm độc aflatoxin dần dần theo thời gian cũng có thể dẫn đến ung thư và các bệnh khác. Dĩ nhiên, các quốc gia có thu nhập cao có thể loại bỏ được aflatoxin và tráng mua các sản phẩm bị nhiễm độc nhưng những người ở các nước thu nhập thấp hơn thì không có được sự lựa chọn đó.
Ileleji và vợ mình, Reiko Ileleji, đã thành lập một công ty tên là JUA Technologies International với mong muốn đưa ra các giải pháp sấy khô tốt hơn. Từ ‘jua’ trong tiếng Swahili có nghĩa là ‘mặt trời’. Công ty này vừa nhận được khoản tài trợ 150.000 đô la từ liên bang và nhà nước để tiếp tục phát triển công nghệ của họ.
Khay Dehytray đã có mặt trên thị trường, vợ chồng Ileleji cũng đã tìm thấy một nhà phân phối ở Kenya và họ vẫn đang tiếp tục phân phối tới các nước khác ở châu Phi. Các khay, có độ dài gần một mét, đa dạng về màu sắc, có thể được đặt dưới ánh nắng mặt trời với lớp màng bảo vệ, hoặc xếp chồng lên nhau trong một bộ khử nước để thực hiện công đoạn sấy ở quy mô lớn hơn. Họ bán lẻ thiết bị này với giá 125 đô la cho khách hàng ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Singapore và Úc; khách hàng ở các khu vực khác sẽ nhận được báo giá cá nhân. Nông dân có thể sử dụng những thiết bị này để sấy khô gần như bất kỳ loại thực phẩm nào, từ trái cây, ngũ cốc đến hạt giống. Bởi vì việc hội tụ được nhiều ánh sáng mặt trời sẽ giúp các khay khô nhanh hơn nhiều so với việc phơi đơn thuần dưới ánh sáng mặt trời, giảm thiểu một ngày chỉ dùng để phơi khô thực phẩm.
Năm nay, Dehytray đã đạt được một giải thưởng dành cho sản phẩm đột phá từ Hiệp hội Kỹ sư Sinh học và Nông nghiệp Hoa Kỳ. Sản phẩm cũng vào đến chung kết cho hạng mục thực phẩm của giải thưởng Ý tưởng Thay đổi Thế giới của tạp chí Fast Company.
Các thiết bị khử nước chạy bằng năng lượng tự nhiên, điều này hết sức quan trọng vì nhiều nông dân ở các nước đang phát triển vẫn chưa có được nguồn điện ổn định hỗ trợ sản xuất.
Gretchen Mosher, vị giáo sư kỹ thuật nông nghiệp và hệ thống sinh học thuộc Đại học Bang Iowa, cho biết: “Nếu loại công nghệ này sử dụng những loại năng lượng hay tài nguyên mà người dân không có để dùng hay để đốt, họ sẽ không thể sử dụng thiết bị đó. Nếu không được như vậy, nó sẽ giống như những dự án mà người phương Tây đến để phát triển, và rồi nó vẫn chỉ nằm ở đó sau khi họ rời đi”.
Bộ khử nước của Ileleji đã được “thiết kế thực sự chu đáo nhằm tạo thuận lợi cho những người sẽ sử dụng, và điều này khiến nó trở thành một thiết bị mang tính đổi mới,” Mosher nói.
Các công ty thường không nhận ra nhu cầu của người nghèo ở các quốc gia đang phát triển, Ileleji cho biết. Ở hầu hết các quốc gia, rất dễ dàng để có thể mua một chiếc xe hơi sang trọng (giả định là bạn có tiền), nhưng thật khó khăn — đến tận bây giờ — để bạn có thể mua một thiết bị đơn giản như Dehytray.
“Làm thế nào mà bạn có thể mua một chiếc Mercedes-Benz nhưng bạn lại không thể mua một chiếc máy sấy năng lượng mặt trời?” Ileleji đặt vấn đề. “Các thiết bị công nghệ cần thiết với những người nghèo, thì lại không cần thiết với bạn, vì vậy nó sẽ không có sẵn để bạn có thể tìm mua được.”
Người nông dân ở châu Phi sẽ có điều kiện sấy khô nông sản sau thu hoạch một cách nhanh chóng và an toàn. Nguồn: theconversation.com
Phản hồi ban đầu từ người dùng ở Kenya khá tích cực, Ileleji nói. Nông dân ở vùng nông thôn đánh giá cao thiết bị ở việc dễ dàng lắp ráp, sạch sẽ và dễ mang theo.
“Bạn có thể mang nó theo bằng các phương tiện giao thông, hoặc xe đạp hoặc ca nô nhỏ,” ông ấy nói. “Khi mặt trời di chuyển về hướng khác, bạn chỉ cần di chuyển chiếc khay theo [để thu được nhiều ánh sáng mặt trời hơn].”
Thiết bị Dehymeleon vẫn đang được phát triển. Sản phẩm hoàn chỉnh sẽ “giống như một chiếc lò vi sóng,” Ileleji nói, trong đó người dùng chỉ cần nhấn một nút — ví dụ như ‘ngô’ — và máy sẽ tự động đặt nhiệt độ và thời gian sấy thích hợp. Nó cũng sẽ dự trữ thêm năng lượng mặt trời để phục vụ như một chiếc máy phát điện dùng vào việc sạc điện thoại di động của nông dân hoặc chạy đèn vào ban đêm khi nó không phải sấy khô nông sản. Ileleji hy vọng trong khoảng hai năm tới, sẽ phát triển nó trở thành một sản phẩm thương mại. Ông có một số bằng sáng chế cho cả hai thiết bị công nghệ Dehytray và Dehymeleon.
leleji cho biết các công nghệ sấy khô của ông có thể được sử dụng ở bất cứ đâu từ những ngôi làng ở vùng nông thôn, các trang trại hữu cơ đến khoảng sân sau ở vùng ngoại ô. Ông ấy sử dụng chiếc khay Dehytray của mình để khử nước rau cải xoăn tại căn nhà ở Indiana. Nhưng đối với những người trong hoàn cảnh khó khăn, dường như nó không chỉ là một công cụ tiện lợi. Ileleji nghĩ về những cộng đồng ở quê nhà Nigeria của mình đã phải rời khỏi nơi ở bởi nhóm phiến quân Boko Haram.
“Trong một trại tị nạn, nơi bạn có thể khuyến khích mọi người sản xuất nông nghiệp, bạn có thể triển khai hệ thống sấy khô vì nó nhỏ gọn, và có thể xếp chồng lên nhau,” ông nói. “Tôi thật sự vui mừng khi thấy cách mà công nghệ có thể đáp ứng được những nhu cầu khác nhau.”
Nguồn: Tia Sáng (Theo Smithsonianmag.com)
Hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời Hot
Năng Lượng Mặt Trời Th8 22, 2016