Điện mặt trời nơi sương phủ
Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng chín 29, 2015 News Energy
TQĐT – Người dân Trung Phìn, xã Sinh Long (Nà Hang) đã mua đèn nháy, đầu karaoke đón Tết. Nghe đến dự án điện “mặt trời” được lắp đặt ở Trung Phìn, chúng tôi chia sẻ niềm vui có điện với bà con thôn xa nhất huyện nhưng cũng không khỏi băn khoăn về hiệu quả của nó.
Từ trước tới nay, điện năng lượng mặt trời chỉ được đặt ở những nơi nhiều nắng còn ở Trung Phìn quanh năm sương phủ.
Bản trong sương
Đường vào trung tâm xã Sinh Long đã khó, đường đi Trung Phìn lại càng vất vả hơn. Bản có 22 hộ, chủ yếu là người dân tộc Mông nằm trọn trong một bãi bằng trên đỉnh núi. Trung Phìn không xa lắm, nhưng lại rất cao. Những hôm trời nắng, khi con chim rừng ngừng hót, người trong bản nghe rõ tiếng xe máy chạy rì rì của người Phiêng Ten ngay dưới chân núi. Ấy vậy mà muốn đến được Trung Phìn phải mất 3 giờ đi bộ.
Người dân ở Trung Phìn đã có điện xem ti vi bằng máy phát điện SolarV Vũ Phong.
Vào mùa này, Trung Phìn đặc quánh sương. Người ở bản Phiêng Ten chỉ biết cuối con đường mòn phía sau bản là Trung Phìn, chưa ai nhìn thấy đỉnh núi nơi có người Trung Phìn ở vì sương mù bao phủ. Người Trung Phìn ở đầu bản cũng ít khi nhìn thấy nhà ở cuối bản. Mùa đông mưa phùn, mùa hè sương giăng. Cả ngày chỉ vài tiếng có nắng. Cũng vì thế mà đất ở Trung Phìn tốt lắm cũng chỉ trồng được một vụ lúa. Cây lúa ở Trung Phìn cũng chín chậm hơn lúa ở vùng thấp. Trước đây, khi chưa biết làm lúa, người Mông ở Trung Phìn chỉ trồng ngô. Bây giờ ngô vẫn nhiều, nhưng chỉ làm thức ăn cho con trâu, con lợn trong bản, không có nhà nào ăn ngô như trước nữa.
Đến nhà ông Trưởng thôn Vương Sính Tu cũng là lúc lên đèn. Nhà ông Tu là một trong số 8 hộ dân được trang bị máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời từ đầu năm. 16 hộ khác dùng chung một tổ máy phát điện năng lượng mặt trời công suất lớn. Ông Tu cho biết, nhà ông dùng 2 bóng tuýp, mùa này ít nắng, điện mặt trời phần lớn chỉ để thắp sáng. Cái ti vi để giữa nhà chỉ để xem chương trình thời sự. Chỉ cần ban ngày, trời hửng lên một tý là cả nhà xem ti vi thoải mái. Bên bếp lửa của gia đình người Mông này, cái rét không còn đi cùng với cái tối tăm như trước nữa. Câu chuyện bên bếp lửa lâu lâu lại bị ngắt quãng bởi vài câu cười đùa của mấy đứa trẻ đang xem ti vi trên nhà vọng lại. Ông Tu kể, ngày trước, ở Trung Phìn chủ yếu là người Dao. Nhưng vì cuộc sống quá vất vả, họ đã về định cư ở những nơi thấp hơn theo chủ trương “hạ sơn” của Nhà nước. Đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, một số hộ người Mông lên Trung Phìn khai hoang, lập bản. Đến giờ Trung Phìn chủ yếu là người Mông sinh sống, người Dao chỉ còn 2 hộ. Đường lên Trung Phìn khó quá, vì thế nếu không phải là người dân trong xã thì ít ai biết Trung Phìn ở đâu. Ngay ở Phiêng Ten, thôn dưới chân núi, nhiều người cũng chưa bao giờ đặt chân đến Trung Phìn. Ông Tu không biết rõ Trung Phìn có người ở từ bao giờ, chỉ nghe người già kể lại là từ thời chưa có cách mạng, quan Pháp với quan Thổ ty bắt dân lên thung lũng trên đỉnh núi để trồng chè rồi sao chè cho người Pháp.
Máy phát điện năng lượng mặt trời ở Trung Phìn phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt cho 16 hộ dân.
Con đường lên Trung Phìn cũng chỉ là đường mòn. Sau này có cách mạng, dân không phải trồng chè nữa, một số người ở lại khai hoang, trồng cây ngô, cây sắn để ăn. Mãi đến khi người Mông du cư về đây, cán bộ lên vận động không phá rừng làm nương, rồi cán bộ dạy dân cách trồng lúa, cách nuôi con trâu, con lợn, dân Trung Phìn mới được như bây giờ. Dân bản cũng nghe cán bộ nói có chủ trương di dân về vùng thấp, nhưng ở đây đất còn rộng, dân cũng muốn ở lại để làm ăn nên không di dân nữa. Ông Tu nhấp ngụm nước được nấu bằng lá chè shan cổ thụ trầm ngâm: “Ngày trước chưa có điện, khổ lắm! Mang con ngựa chở 2 gùi ngô xuống tận chợ Đà Vị mới đổi được 5 lít dầu. Có năm cây ngô không cho quả, nhà không có ngô ăn mà vẫn phải mang đi đổi dầu…”. Thấy chúng tôi tò mò về thủy điện nhỏ, ông Tu chỉ tay về phía giữa bản giải thích, cả bản có một mỏ nước, quanh năm chảy róc rách. Nhưng nước ít quá, với lại suối không dốc nên không làm thủy điện nhỏ được. Dân bản phải đi theo con suối vào sâu mãi trong rừng mới có chỗ để đặt máy. Chỗ đặt máy xa, chi phí để lắp được 1 máy phát điện nhỏ không ít. Những nhà xa như nhà ông Tu phải mất hơn 2 yến dây (khoảng gần 2 km) mới kéo được điện về. Kéo điện xa, máy công suất nhỏ, điện về nhà hao hụt hết. Điện nước cũng chỉ thắp được vài bóng điện, mở được đài, còn ti vi bị “co” hình, mấy bóng điện cũng tù mù như đèn dầu. Ông Tu bảo: “Thanh niên khỏe trong bản vẫn đấu điện bằng tay không. Điện yếu quá, sờ vào mà nó chả cắn được người”.
Điện nước yếu, lại nảy ra bao thứ bất tiện. Có nhà đang ăn cơm thì máy điện bị lá cây mắc vào, bóng không sáng, chủ nhà lại bỏ dở bát cơm đi gỡ lá. Nước cũng “cắn” nhiều vòng bi. Mỗi vòng bi hơn trăm nghìn cứ vài tuần lại phải thay vòng mới. Đã thế điện nước lại nguy hiểm. Con rể ông Tu đã có lần đi gỡ lá cây vướng vào cánh quạt, bị điện giật, may chỉ bị ngã, xây xước chân tay. Có điện “mặt trời” không phải đi gỡ lá, không tốn tiền mua vòng bi, lại xem được ti vi, dân bản mừng lắm.
Điện ấm bản vùng cao
Câu chuyện bản Trung Phìn có điện ngày càng ly kỳ theo lời kể của ông Vương Sính Tu. Cuộc sống quá khó khăn, vất vả ở trên đỉnh núi khiến nhiều người trong bản muốn tìm đi nơi khác sinh sống.
Nhiều lần, họp thôn, bà con trong thôn đề nghị xã kiến nghị với cấp trên bố trí đất để bà con về tái định cư. Xã, huyện cũng bàn cách, tìm đất cho bà con vì đầu tư một con đường đến Trung Phìn vượt xa khả năng tài chính của huyện. Nhưng xét đi, xét lại, cả người trong bản với cơ quan chính quyền đều nhận thấy, Trung Phìn còn nhiều tiềm năng lắm. Nếu dân bản chuyển đi hết, đất ở đây lại bỏ hoang. Bao nhiêu công khai phá của bà con từ trước đến nay đành bỏ phí. Bên cạnh đó, huyện vẫn thiếu đất sản xuất. Việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho 23 hộ dân không đơn giản. Mà có bố trí được đất ở, đất sản xuất cho bà con trong bản đi nữa thì chính bà con cũng không dám chắc có thích nghi được với nơi ở mới, tập quán sản xuất mới hay không? Thêm vào đó là tiềm năng lớn từ những cây chè shan cổ thụ ở Trung Phìn. Đất Trung Phìn rất hợp với cây chè shan, giống chè đã được trồng ở đây hàng trăm năm. Xã đã có chủ trương để phát triển cây chè shan thành cây hàng hóa. Nếu thực hiện được, người dân Trung Phìn không phải sống bằng cây ngô, cây lúa mà họ sống bằng sản phẩm chè đặc sản. Gần 100 gốc chè shan cổ thụ trong bản chưa được giao cho hộ cá thể mà là tài sản chung của bản. Dân bản giữ cây chè lắm. Trẻ con không được trèo lên cây bẻ cành, người lớn không được buộc con trâu, con lợn gần gốc chè. Có nhà “xem thầy” kỹ lưỡng để san đất, dựng nhà cũng phải tránh, không được san gần gốc chè cổ thụ. Bám bản giữ đất, giữ chè người Trung Phìn mong có đường, có điện để cải thiện cuộc sống. Cái đường quan trọng lắm, cây ngô của bản có nhiều quả, con lợn con trâu béo tròn nhưng không bán được nhiều. Muốn trồng thêm nhiều chè, nuôi thêm nhiều con lợn thì có đường mới bán được. Cái điện cũng quan trọng không kém. Có điện, người lớn mới xem được ti vi để biết được thông tin thời sự, biết được kỹ thuật để làm ăn. Có điện, trẻ con mới sáng cái mắt, học cái chữ để sáng cái đầu, đuổi được cái dốt, học cái khôn, sau này lớn không sợ cái nghèo nữa.
Nguyện vọng là thế, nhưng Trung Phìn xa quá, núi lại cao, xã nghèo, huyện nghèo chưa có tiền để mở đường, kéo điện cho bà con được. Cuối năm 2013, trong buổi làm việc của đồng chí Chẩu Văn Lâm khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh với xã Sinh Long, bà con Trung Phìn đã đề xuất nguyện vọng của mình. Ghi nhận nguyện vọng của bà con, tỉnh cho chủ trương kết hợp một số chương trình, dự án và huy động ngày công của bà con mở đường lên Trung Phìn. Tỉnh cũng kêu gọi được 1 dự án tài trợ máy phát điện năng lượng mặt trời để giải quyết nhu cầu trước mắt của bà con. Con đường mòn trước đây đã được mở rộng hơn. Trời nắng có thể đi xe máy vào tận bản. Điện mặt trời đã được lắp đặt. Nhiều nhà trong bản mua ti vi, mua bóng điện lắp thêm ở trong nhà.
Trời tối, câu chuyện của ông Tu thêm rôm rả. Tiếng cười lẫn trong tiếng bếp lửa lách tách. Mấy đứa trẻ không đùa nữa, tiếng ti vi nhường chỗ cho tiếng thầm thì theo từng con chữ. Ngoài hiên, sương vẫn rơi tí tách, chúng tôi thấy ấm lòng với câu nói của ông Tu: “Dân bản mình hết khổ rồi”.
PSA: Vũ Tuấn – BaoTuyenQuang